Thông hành không bằng 'thông lệ'

22/07/2021 04:45 GMT+7

Để tạo 'luồng xanh', Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thống nhất trong 19 tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 không cần giấy xét nghiệm âm tính.

“Giấy thông hành” vừa được bãi bỏ thì hàng loạt tỉnh lại áp dụng “thông lệ” khiến hàng hóa vẫn hết sức vất vả khi lưu thông về TP.HCM, thậm chí ngay cả trong nội tỉnh.
Có nơi yêu cầu tất cả các xe quay đầu không phân biệt loại xe gì, chở hàng hóa nào; cũng không kiểm tra, không yêu cầu xuất trình bất cứ loại giấy tờ nào. Có tỉnh yêu cầu lái xe, phụ xe đường dài phải cách ly. Chạy xe bây giờ đã vất vả, yêu cầu thế này, ai mà dám chạy? Một số tỉnh miền Tây cũng “bắt quay đầu” không lý do với sữa; có tỉnh lại yêu cầu phải có giấy xác nhận từ chủ tịch UBND phường, xã dù tài xế có đủ giấy của cơ quan, xét nghiệm âm tính... Còn việc “bộ cởi trói, tỉnh vẫn đòi” giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì ở các chốt kiểm soát tại miền Tây xuất hiện không hề ít.
Vẫn biết tất cả những việc này đều xuất phát từ mục đích lớn nhất là phòng, chống dịch. Thế nhưng trong dịch bệnh thì con người vẫn phải sống, vẫn phải ăn; trẻ em vẫn phải uống sữa; nông dân vẫn phải thu hoạch, hàng hóa vẫn có nhu cầu tiêu thụ.
Đó là lý do Chính phủ chỉ đạo phải tạo “luồng xanh” liên tỉnh để cung cấp nhanh nhất, đầy đủ nhất, giá cả hợp lý nhất cho người dân vùng dịch. Đó cũng chính là bảo vệ chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, giữ công ăn việc làm cho người lao động, tạo thu nhập cho người nuôi trồng...
Chúng ta đã chứng kiến, “ngăn sông cấm chợ” khiến rau quả thực phẩm ế đầy đồng trong khi người dân TP.HCM không đủ mà ăn. Hay khi hàng loạt chợ truyền thống ở TP.HCM bị đóng, ngay lập tức người nuôi heo nhỏ lẻ ở Đồng Nai bị khủng hoảng đầu ra. May mắn Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất mở điểm bán và được chấp thuận đã giải cứu heo giúp bà con.
Nói lại vài câu chuyện để thấy, nếu tỉnh nào cũng đặt ra những thông lệ riêng, an toàn chưa biết nhưng sẽ tự biến mình thành ốc đảo. Và người gánh chịu thiệt hại đầu tiên, chính là những người nông dân nuôi trồng ở các địa phương đó. Nên nhớ, TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước.
Người dân TP bao năm qua, mỗi năm nhiều lần tham gia giải cứu nông sản giúp bà con các tỉnh, thành khác khi rơi vào tình trạng được mùa mất giá, ế đồng dội chợ. Chẳng nói đâu xa, chỉ mới cuối tháng 5 vừa rồi, khi chợ hoa Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, hàng triệu cành hoa có nguy cơ phải đổ bỏ. Khi ấy, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã có công văn gửi UBND Q.11 và Sở Công thương TP.HCM xem xét, tạo điều kiện cho mở cửa trở lại chợ hoa Đầm Sen. Chợ hoa sau đó đã được mở lại hỗ trợ, giải quyết tiêu thụ hoa tươi cho nông dân Lâm Đồng trong chính bối cảnh dịch bệnh.
Luồng xanh không chỉ về lý mà còn cả cái tình. Và sẽ không có an toàn thật sự nếu chỉ một tỉnh này, TP kia khống chế được dịch. Vì thế, thay vì gây khó, nên tạo điều kiện bởi cuối cùng thì tất cả chúng ta đều vì mục tiêu chung là chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.