Thông qua luật Điện ảnh, cho nhà phát hành tự phân loại phim trên mạng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/06/2022 16:15 GMT+7

Chiều 15.6, Quốc hội biểu quyết thông qua luật Điện ảnh sửa đổi với đa số đại biểu tán thành.

Đảm bảo tính khả thi về nguồn thu Quỹ điện ảnh

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, Quốc hội biểu quyết thông qua các điều luật liên quan tới Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vì đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục

gia hân

Kết quả, 389/469 đại biểu Quốc hội tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong luật. 74 đại biểu không tán thành.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình tại phiên họp cho biết, một số đại biểu đề nghị làm rõ lý do từ 2006 đến nay quỹ chưa được thành lập.

Ông Vinh dẫn báo cáo của cơ quan trình dự án luật, tới nay Quỹ chưa thành lập được là khó khăn về nguồn thu do chưa quy định trong luật, văn bản hướng dẫn; và cơ chế quản lý quỹ chưa rõ là đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp hay tổ chức tài chính.

Theo ông Vinh, thời gian qua, Chính phủ đã có 2 lần xem xét, cho ý kiến về thành lập quỹ; đề nghị nghiên cứu để đưa vào trong dự thảo luật lần này. Hồ sơ dự luật trình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV gửi kèm dự thảo nghị định đã khắc phục các tồn tại nêu trên, quy định rõ nguồn thu, tổ chức bộ máy của quỹ.

Đối với ý kiến đề nghị không quy định “trích 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình" tại dự thảo nghị định gửi kèm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh nhằm đảm bảo tính khả thi về nguồn thu của quỹ.

Nhà phát hành tự phân loại phim trên mạng

Một vấn đề nhiều người quan tâm là quy định về phân loại phim (theo độ tuổi) đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Theo ông Vinh, đa số đại biểu đồng ý với phương án kết hợp “tiền kiểm” và “hậu kiểm”.

Theo đó, các biện pháp “tiền kiểm” bao gồm: quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến.

Biện pháp “hậu kiểm” bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Với một nội dung khác cũng từng gây tranh luận là việc yêu cầu nhà sản xuất phim nước ngoài phải cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, ông Vinh cho biết, sau khi gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo phương án đa số đại biểu Quốc hội chọn.

Theo đó, nhà sản xuất phim nước ngoài sử dụng bối cảnh Việt Nam phải cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối ảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt.

Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1.1.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.