Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về tình hình thị trường bất động sản gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội, phục vụ phiên họp thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023.
Giao dịch bất động sản giảm, chung cư tăng 272%
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.
Trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho và có tính thanh khoản tốt.
"Hiện nay, lượng tồn kho bất động sản hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng", báo cáo nêu.
Trong những tháng đầu năm 2023, nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế, thậm chí có xu hướng giảm so với quý cuối năm 2022.
Cụ thể, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của quý IV/2022 và 39 dự án của quý I/2022. Số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 51 dự án so với 59 dự án của quý IV/2022 và 56 dự án của quý I/2022. Số lượng dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án so với 28 dự án của quý IV/2022 và 22 dự án của quý I/2022.
Về lượng giao dịch, Bộ Xây dựng cũng cho biết sụt giảm nhiều. Trong trong quý I/2023 có 106.401 giao dịch thành công, so với quý IV/2022 chỉ đạt 65,06% và 61,2% so với quý I/2022.
Tuy nhiên, việc sụt giảm chủ yếu đối với phân khúc đất nền. Chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng mạnh, cụ thể là 272,72% so với quý IV/2022 và 192,54% so với quý I/2022.
Bộ Xây dựng cũng thông tin, tổng lượng tồn kho bất động sản trong quý I/2023 vào khoảng 18.808 căn, nền. Trong đó: chung cư là 2.572 căn; nhà ở riêng lẻ là 9.123 căn; đất nền là 7.113 nền. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở loại bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho hay, dư nợ tín dụng bất động sản tháng 2.2023 là hơn 2,637 triệu tỉ đồng, tăng 2,19% so với 31.12.2022.
Về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong quý I/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn ước tính đạt 30.655 tỉ đồng, giảm 40,3% so với quý IV/2022 và tăng 246,7% so với quý I/2022.
Theo Bộ Xây dựng, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỉ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ.
Huy động vốn qua trái phiếu, chứng khoán vẫn khó
Bô Xây dựng cũng dẫn dành phần lớn báo cáo để nói về vướng mắc liên quan tới pháp luật đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng gây khó khăn cho thị trường bất động sản.
"Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá 'thị trường", Bộ này nêu và cho biết vướng mắc này chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án.
Về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo về việc hạ lãi suất cho vay, đồng thời có hướng dẫn triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay.
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng được liệt kê là một khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, Chính phủ ban hành Nghị định 08 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, chỉ đạo các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, song việc huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn.
Cũng theo bộ này, thời gian vừa qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, đặc biệt là các thông tin về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho khách hàng, nhà đầu tư; gây khó khăn cho doanh nghiệp; ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Bộ Xây dựng đánh giá những thông tin nói trên ảnh hưởng đến tâm lý dẫn đến nhà đầu tư e ngại, nghe ngóng, tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang các kênh đầu tư khác; ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và dự án đang kinh doanh không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản.
Bình luận (0)