Hyundai Tucson thế hệ thứ 4 hoàn toàn mới tung ra thị trường Việt Nam hồi cuối năm 2021. Thời điểm đó, mẫu xe Hàn Quốc đã có hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian, đồng thời là cái tên duy nhất trong phân khúc được trang bị khóa vi sai trung tâm. Thế nhưng, sau hơn hai năm, người quan tâm hay kể cả khách mua mẫu xe này tuy nhiều, nhưng thực tế rất ít ai để ý đến chi tiết vừa nêu.
Nói như vậy để thấy, nhắc đến Hyundai Tucson, trước nay số đông dường như thường sẽ nghĩ ngay đến một mẫu SUV/crossover đô thị thiết kế cá tính, vượt trội về trang bị tiện nghi; những thứ vốn là điểm mạnh nhất của xe Hàn Quốc nói chung. Hoặc nếu quan tâm đến vận hành, nhiều người cũng chỉ xem Tucson thích hợp di chuyển trên đường nhựa nội thành; hơn là những cung đường xấu, gồ ghề hoặc thậm chí địa hình kiểu off-road.
Hãng xe Hàn Quốc có lẽ không thích điều này và họ đang muốn thay đổi cái nhìn vốn dĩ có phần "định kiến" đó. Đầu tiên đến từ những cải tiến cụ thể hơn trong khả năng vận hành của xe, từ động cơ, hộp số cho đến hệ thống treo... Sau đó bằng nhiều hoạt động lái thử ngày càng "nặng đô" hơn, như một thông điệp rõ ràng, rằng: xe Hàn không chỉ "đẹp mã".
Hành trình xẻ dọc dải Trường Sơn mới đây là có lẽ là minh chứng cụ thể nhất.
Thử xe kiểu rally - Lần đầu tại Việt Nam
Rally chắc chắn không quá lạ lẫm với những "tín đồ" đua xe thể thao tại Việt Nam. Bởi, đã có máu tốc độ và yêu thích xe, có lẽ ai cũng từng một lần xem qua giải đua xe nổi tiếng Dakar Rally. Thế nhưng, tất cả cũng chỉ dừng ở xem hoặc biết về rally. Còn những "tay chơi' thực sự hiểu hoặc đã trực tiếp tham gia bộ môn này, gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Anh Phan Triệu Dũng Tâm – một trong những "dân chơi" rally đời đầu của Việt Nam từng tham gia giải đua rally châu Á - "hù dọa" chúng tôi trong một lần tán gẫu: "Rally không biết thì thôi, nhưng biết sẽ rất dễ ghiền".
Theo tay đua này, cái hay của rally nằm ở sự bất ngờ và tính thử thách. Bất ngờ bởi mỗi chặng đua là một cung đường hoàn toàn mới và người chơi gần như… "mù đường". Tay đua chính và cả lái phụ (co-driver) chỉ có trên tay duy nhất quyển roadbook với những ký hiệu, chỉ dẫn riêng. Và gần như sẽ phải lái xe theo kiểu "tới đâu hay đấy". Trong khi, thử thách đến từ đường đua thực tế, với đủ loại địa hình kết hợp, từ đường nhựa, đường hẹp quanh co đến đường gồ ghề, cát, sỏi, bùn lầy… Khác hoàn toàn với thể thức đua xe tốc độ trên các đường đua chuyên nghiệp dựng sẵn.
Ngoài ra, rally còn trở nên cảm xúc hơn bởi tính cạnh tranh trong mỗi chặng đua. Đội chiến thắng không chỉ vượt qua những "cạm bẫy" giăng sẵn trên đường… và trên roadbook, mà còn phải nhanh hơn các đối thủ. Nghĩa là, luôn phải vần vô lăng dưới những áp lực.
Cả ba thứ "gia vị" kể trên sẽ trộn lẫn, vừa tạo nên sức hấp dẫn cho rally; nhưng đồng thời cũng là "chất xúc tác" đẩy mọi thứ vượt lên trên giới hạn thường thấy. Trong đó có sự phấn khích, song song với cả độ nguy hiểm. Đây có lẽ cũng là lý do, xưa nay không nhiều hãng xe trên thế giới đủ mạnh dạn để đưa "món" này vào các hành trình hay hoạt động trải nghiệm, lái thử xe.
Tại Việt Nam, bằng việc tổ chức lồng ghép 3 chặng đua trong hành trình "Chinh phục huyền thoại Trường Sơn, The Open - The Freedom", Hyundai Thành Công mới đây đã chính thức sắm vai "kẻ mở đường" cho rally thực thụ; khi lần đầu tiên đưa bộ môn này vào một hành trình "test xe".
Và bất ngờ hơn, cái tên được lựa chọn làm "chuột bạch" lại là Hyundai Tucson.
Bài "test" khó cho một mẫu crossover
Nói Tucson là lựa chọn bất ngờ trong hành trình trải nghiệm, lái thử xe lần này, là bởi như đã đề cập, không ít người dùng ô tô tại Việt Nam đến lúc này vẫn chỉ xem mẫu crossover hạng trung đến từ Hàn Quốc như một gã "công tử bột" đích thực. Tức một mẫu xe "bóng bẩy" bề ngoài và thích hợp di chuyển trong đô thị; hơn là những cung đường vốn dĩ đầy thử thách, xẻ dọc Trường Sơn huyền thoại lần này.
Thế nhưng, nhìn lại 4 ngày cầm lái Tucson vừa qua mới thấy, chính cuộc phiêu lưu có đôi chút "mạo hiểm", lại là cơ hội để mẫu xe nhà Hyundai có thể phô diễn những điểm mạnh, mà xưa nay ít người biết đến.
Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến khả năng chinh phục địa hình. Phiên bản 1.6 Turbo với hệ dẫn động 4 bánh HTRAC, kết hợp khóa vi sai trung tâm đã dễ dàng vượt qua những hố sâu hay đoạn đường lầy lội kéo dài (vốn dĩ là những cái "bẫy" ở các chặng đua rally), trước sự ngỡ ngàng của cả Ban tổ chức lẫn người tham gia trải nghiệm.
Tại những đoạn đường cua nhiều đá dăm hoặc sỏi, Tucson cũng thể hiện tốt với độ bám đường ấn tượng. Vô-lăng xe cũng cho phản hồi khá chân thật, kể cả khi xe di chuyển qua những đoạn đường bê tông, vốn dĩ không thực sự êm và các bánh xe liên tục nảy.
Ngoài ra, một điểm cộng nữa trên Hyundai Tucson mới nằm ở khả năng cách âm. Nếu so với các mẫu xe cùng phân khúc crossover cỡ trung tại Việt Nam hiện nay, không quá khi xếp mẫu xe Hàn Quốc này ở nhóm đầu, bởi khả năng triệt tiêu tiếng ồn của xe thực sự ấn tượng.
Mặc dù vậy, cũng khó có thể thể phủ nhận một nhược điểm trong khả năng vận hành của Tucson là độ trễ chân ga khá rõ. Tất nhiên đang xét trong hành trình, khi chiếc crossover này bị ép phải "leo trèo" trên những cung đường dốc cao như đoạn qua đèo Sa Mù (Quảng Trị). Ở những quãng dốc đầu tiên, người lái dù cố gắng tập trung điều tiết chân ga nhưng vẫn rất khó hạn chế độ giật. Chỉ khi đã thực sự quen với khoảng trễ, mọi chuyện mới trở nên dễ dàng hơn.
Dĩ nhiên, điểm yếu này có trên bất kỳ mẫu xe nào dùng động cơ dung tích nhỏ kết hợp hệ thống tăng áp, chứ không riêng Hyundai Tucson. Turbo sẽ giúp tăng sức mạnh và tiết kiệm nhiên liệu hơn, nhưng trái lại người dùng sẽ phải chấp nhận độ trễ khi nhấn ga tăng tốc. Và nếu suy ngẫm theo kiểu "dân chơi rally", trường hợp này có lẽ bạn sẽ đồng ý rằng, mua xe cũng giống với nhiều lựa chọn khác trong cuộc sống, đôi khi phải chấp nhận đánh đổi.
Bình luận (0)