Thủ khoa thường là học sinh nông thôn?: Càng khó khăn càng có ý chí học tập

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/07/2019 18:59 GMT+7

'Dành toàn bộ thời gian vào việc học để có được kết quả cao nhất vì chỉ đậu ĐH mới có thể thay đổi cuộc sống, thay đổi tương lai', đó có phải là mục tiêu của nhiều thủ khoa đến từ các vùng nông thôn?

Mục tiêu học giỏi để thành công


Là thủ khoa 2018 ở khối D1 của Trường ĐH Luật TP.HCM, Hồ Thanh Nhân (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) cho rằng, có 2 lý do khiến đa số thủ khoa đến từ các trường ở vùng nông thôn. “Bản thân em thấy, học sinh ở các thành phố lớn không xem việc phải thi để đạt điểm cao là mục tiêu quan trọng nhất. Em và bạn bè trong quá trình học tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa về thể thao, nghệ thuật… để rèn luyện kỹ năng, chứ không dành toàn bộ thời gian vào việc học. Ngoài ra, học sinh ở các thành phố lớn có nhiều hoạt động giải trí đa dạng hơn ở các vùng nộng thôn, vùng xa, nên ngoài giờ học các bạn có thể đi xem phim, uống trà sữa, nghe nhạc… Trong khi các bạn ở vùng nông thôn có thể ít hoạt động ngoại khóa và giải trí hơn nên tập trung vào việc học nhiều hơn”.
Nguyên nhân thứ 2, theo Thanh Nhân là các bạn ở những vùng quê nghèo thường có ý chí học tập rất cao vì muốn thay đổi cuộc sống, muốn thay đổi tương lai. “Và để thực hiện điều đó thì các bạn cho rằng chỉ còn cách là học thật giỏi. Các bạn ôn thi ngày đêm, nỗ lực để giành được kết quả cao nhất trong kỳ thi”, Thanh Nhân nhìn nhận.
Vũ Thị Kim Ngân, cựu học sinh Trường THPT Điền Hải, tỉnh Bạc Liêu, thủ khoa khối C của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2018, cũng chia sẻ: “Học sinh ở các miền quê em thấy có ý chí và nghị lực rất cao. Có lẽ vì tụi em không có đầy đủ điều kiện vật chất học tập như các bạn ở thành phố nên phải quyết tâm học để có một tương lai tươi sáng hơn. Không phải học sinh ở tỉnh thì học giỏi hơn ở thành phố, chỉ là có lòng quyết tâm, có nghị lực vươn lên cao hơn một chút. Hơn nữa, đây còn là sự nỗ lực cố gắng cũng như mục tiêu của mỗi cá nhân, không phụ thuộc vào nông thôn hay thành phố”.
Theo Kim Ngân, càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì càng có quyết tâm, đó là lý do vì sao nhiều thủ khoa có gia cảnh nghèo khổ. “Các bạn ở thành phố có sẵn điều kiện tốt, môi trường tốt, nên chỉ cần học để đậu ĐH, không bằng mọi giá học để thoát khỏi cuộc sống vất vả như các bạn ở nông thôn. Cũng có thể các bạn học giỏi đều có mục tiêu đi du học nên không quan trọng việc điểm cao hay không ở kỳ thi này”, Trần Thị Mỹ Nhi cựu học sinh Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, Anh Giang, là thủ khối D của Trường ĐH Tài chính – Marketing 2018 nhận định.

Thủ khoa đầu vào chưa chắc là thủ khoa đầu ra

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ hiện nay phương tiện, điều kiện học tập, đặc biệt là năng lực của học sinh các tỉnh không có sự khác biệt lớn so với học sinh thành phố, nhưng học sinh ở thành phố chịu nhiều sự tác động từ môi trường sống hơn nên mức độ tập trung vào thi cử không nhiều bằng học sinh ở tỉnh xa.
"Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, thủ khoa đầu vào chưa hẳn sẽ trở thành những cá nhân nổi trội trong quá trình học ĐH cũng như tốt nghiệp đi làm. Lý do là vì cách học ĐH khác hẳn với cách học phổ thông. Em nào tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều, có nhiều trải nghiệm bên ngoài, thì thường tiếp cận chương trình ĐH tốt hơn. Vì thế, kỹ năng mềm càng tốt thì học ĐH hoặc sau này đi làm càng thuận lợi. Thực tế ít có thủ khoa đầu vào là thủ khoa đầu ra”, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng không ít thủ khoa đầu vào điểm rất cao nhưng trong quá trình học lại sa sút, không giữ được phong độ.
Tiến sĩ Minh lý giải: “Phương pháp học tập ở ĐH đòi hỏi các em phải tự học là chính, kết hợp với sự trải nghiệm. Càng trải nghiệm, càng có kỹ năng thì học càng thuận lợi. Cách đánh giá điểm số ở trường ĐH cũng khác. Ngoài ra, các em lên học ĐH không còn chịu sự quản lý nhắc nhở của cha mẹ, nhiều em có tâm lý hồi phổ thông học quá mệt mỏi để có kết quả tốt rồi, nên sau khi đậu ĐH với điểm cao là bắt đầu an tâm 'xả hơi'. Có em không quản lý được thời gian, bị chi phối, cuốn hút bởi nhiều thú vui khác… nên học tập cũng không còn tốt như trước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.