Sau khi Thủ tướng Ariel Henry công bố ý định từ chức hôm 11.3, thủ đô Port-au-Prince của Haiti ban đầu trở nên yên ắng hơn, nhưng bạo lực dường như đã bùng phát trở lại từ cuối ngày 13.3, với một vụ đấu súng và một cuộc tấn công nhằm vào học viện cảnh sát trong ngày 14.3.
Ông Henry được Tổng thống Haiti Jovenel Moise bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2021 ngay trước khi ông Moise bị ám sát. Vị thủ tướng không được dân bầu đã liên tục hoãn trì hoãn tổ chức bầu cử. Từ đó đến nay, Haiti ngày càng lún sâu vào khủng hoảng với các vụ đụng độ bạo lực thường xuyên xảy ra giữa lực lượng an ninh và các băng nhóm xã hội đen, mới nhất bùng phát từ ngày 29.2.
Phát biểu của ông Jimmy "Barbeque" Cherizier, người đứng đầu một liên minh băng nhóm quyền lực, được ghi âm hôm 13.3. Đoạn ghi âm dài 7 phút được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên nền tảng nhắn tin WhatsApp vào sáng 14.3, theo Reuters.
"Các vị không biết xấu hổ à?", ông Cherizier nói, hướng tới các chính trị gia mà ông cho rằng đang muốn tham gia hội đồng chuyển giao quyền lực tại Haiti sau khi Thủ tướng Henry rời ghế. Ông tiếp tục nói: "Các vị đã đẩy đất nước đến tình cảnh ngày hôm nay. Các vị không biết chuyện gì sẽ xảy ra".
"Tôi sẽ biết liệu con cái các vị có đang ở Haiti không, vợ chồng các vị có đang ở Haiti không... Nếu các vị muốn điều hành đất nước thì toàn bộ gia đình các vị phải có mặt ở đây", ông Cherizier, một cựu sĩ quan cảnh sát, buông những lời lẽ được xem là mang tính đe dọa nhằm vào gia đình các chính trị gia.
Trong phát biểu của mình, ông Cherizier cho biết việc Thủ tướng Henry từ chức chỉ là "bước đầu tiên trong trận chiến" ở quốc đảo có khoảng 11 triệu dân và là một trong những đất nước nghèo nhất thế giới.
Haiti đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo kéo dài. Các băng nhóm vũ trang đã kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince trong khi các nhóm nhân quyền đã báo cáo về các vụ giết người, bắt cóc và bạo lực tình dục trên diện rộng. Hàng trăm ngàn người đã phải chạy loạn.
Chính phủ Haiti một lần nữa gia hạn lệnh giới nghiêm hàng đêm cho đến ngày 17.3, theo lệnh được ký bởi quyền Thủ tướng Michel Boisvert.
Ông Henry đã ở nước ngoài kể từ chuyến đi đến Kenya nhằm xúc tiến việc triển khai một lực lượng đa quốc gia giúp chính quyền của ông đối phó với các băng nhóm. Song nỗ lực hiện đang rơi vào bất định sau khi Kenya, nước vốn tiên phong dẫn dắt sứ mệnh, đã trì hoãn kế hoạch của mình.
Cộng đồng Caribe (CARICOM), một tổ chức khu vực, đã liệt kê các đảng chính trị và các thành phần xã hội khác dự kiến tham gia hội đồng gồm 9 thành viên để tiếp quản chính phủ của ông Henry. Các nhà lãnh đạo Caribe và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken làm trung gian trong các cuộc đàm phán về hội đồng, nhưng việc bổ nhiệm chính thức vẫn chưa diễn ra.
Hôm 13.3, lãnh đạo một chính đảng đã từ chối lời đề nghị trở thành thành viên có quyền bỏ phiếu trong hội đồng. Thay vào đó, họ ủng hộ một hội đồng gồm 3 thành viên với sự dẫn dắt của cựu lãnh đạo đảo chính Guy Philippe, người vừa mãn hạn tù ở Mỹ và đang xin ân xá cho các thủ lĩnh băng nhóm.
Bình luận (0)