Thử nghiệm thành công, tên lửa bội siêu thanh Trung Quốc đe doạ hệ thống phòng thủ Mỹ

02/01/2018 14:00 GMT+7

Các chuyên gia quân sự nhận định khả năng Trung Quốc dùng tên lửa có gắn thiết bị bay bội siêu thanh (HGV) để chọc thủng các hệ thống phòng thủ của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nếu xung đột xảy ra.

Đánh giá này được đưa ra sau khi chuyên san The Diplomat dẫn nguồn từ giới chức tình báo Mỹ tiết lộ quân đội Trung Quốc đã tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo mới được gọi là DF-17 có gắn thiết bị bay bội siêu thanh (HGV) vào ngày 1 và 15.11.
Cuộc thử nghiệm tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở khu tự trị Nội Mông vào ngày 1.11 đã diễn ra thành công. Tên lửa đáp xuống vị trí cách mục tiêu chỉ “vài mét”. DF-17 được cho là có tầm bắn từ 1.800 - 2.500 km và nhiều khả năng sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2020. Vũ khí này được kỳ vọng mang được đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân, cũng như có thể nâng cấp để mang một loại vũ khí siêu thanh tiên tiến.
HGV là thiết bị bay không người lái được phóng từ tên lửa có thể đi qua khí quyển trái đất ở tốc độ cao. So với hệ thống đạn đạo thông thường, đầu đạn trong HGV có thể di chuyển ở tốc độ cao hơn, với quỹ đạo khó bị truy vết. HGV khiến các hệ thống phòng thủ không có đủ thời gian để ngăn chặn đầu đạn lao đến mục tiêu.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng DF-17 chỉ là một trong số những tên lửa có trang bị HGV do quân đội nước này phát triển, bao gồm DF-ZF đã được thử nghiệm 7 lần, theo tờ South China Morning Post.
Chuyên gia Tống Trung Bình, cựu sĩ quan lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc, cho biết DF-17 là phiên bản cải tiến dựa trên thiết kế DF-ZF. Ông Tống nói HGV có thể được trang bị cho nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau có tầm bắn ít nhất 5.500 km và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Theo ông Tống, nhiều đầu đạn HGV cũng có thể được trang bị cho DF-41. Với tầm bắn ít nhất 12.000km, tên lửa DF-41 có thể đánh trúng bất kỳ mục tiêu ở Mỹ chỉ trong vòng 1 giờ.
Hệ thống tên lửa đạn đạo DF-21D xuất hiện trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc Reuters
Trong khi đó, chuyên gia quân sự ở Macau, ông Antony Wong Dong lưu ý Trung Quốc có thể dùng HGV tiêu diệt hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ THAAD được triển khai ở Hàn Quốc.
Mỹ đã triển khai THAAD tại Hàn Quốc vào năm 2017 nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần phản đối động thái này, cho rằng THAAD đe dọa an ninh và các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
“HGV của Trung Quốc có thể tiêu diệt hệ thống radar cực mạnh của THAAD nếu chiến tranh bùng nổ. Một khi radar bị vô hiệu hóa, Trung Quốc có thể phóng ICBM khiến Mỹ không có đủ thời gian để đánh chặn”, Antony nói.
Chuyên gia quân sự kỳ cựu ở Bắc Kinh, ông Chu Chấn Minh cho hay công nghệ HGV là một phần trong chiến lược hạt nhân của ba cường quốc: Trung Quốc, Mỹ và Nga.
“So với các tên lửa đạn đạo truyền thống, HGV khó bị đánh chặn hơn. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nên lo ngại về HGV của Trung Quốc vì thứ vũ khí này có thể đánh trúng các mục tiêu nhanh và chính xác hơn, bao gồm căn cứ quân sự ở Nhật Bản và thậm chí lò phản ứng hạt nhân của Ấn Độ”, theo ông Chu.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV từng dẫn lời chuyên gia quân sự Trần Hổ tuyên bố là khi được hoàn thiện DF-ZF có thể dùng để “tấn công tàu sân bay Mỹ trên toàn cầu”.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã xây dựng đường ống gió nhanh nhất thế giới để thử những thiết bị bay tốc độ 12 km/giây.
Chuyên gia Triệu Vĩ, người đang tham gia dự án mới, cho hay giới nghiên cứu nỗ lực đưa đường ống gió vào hoạt động trong năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho chương trình phát triển vũ khí bội siêu thanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.