Tổng diện tích cây ném (hay còn gọi cây hành tăm) trồng trên địa bàn toàn xã Điền Môn khoảng 36 ha, trong đó riêng thôn Vĩnh Xương có khoảng 27 ha. Cây ném được xem là cây chủ lực và đã có thương hiệu “Ném Điền Môn” vang danh khắp vùng.
Ông Trần Gia Cần (thôn Vĩnh Xương) chia sẻ: “Nghề trồng ném này đã có từ lâu đời, truyền tay nhau kỹ thuật trồng ném thơm và năng suất cao. Vùng đất cát này thì chỉ có ném là chịu được khắc nghiệt, lại ít phải tưới tiêu, thời gian thu hoạch nhanh nên bà con trồng có lãi”.
Bà Nguyễn Thị Hương (thôn Vĩnh Xương) tâm sự: “Nhà tôi con cái đi Sài Gòn làm hết chỉ còn hai ông bà ở nhà làm 2 sào ném. Mấy năm nay giá cũng ổn định, thương lái vào tận nơi thu mua nên không sợ hư”.
Theo quan niệm dân gian, ném cũng là một dược liệu trị cảm cúm và các bệnh dân gian khác. Đây được xem là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn, mở ra triển vọng làm giàu trên những mảnh đất cát khô cằn. Nhiều bà con nông dân của huyện Phong Điền thoát nghèo và có cuộc sống sung túc nhờ cây này.
Người dân Điền Môn có cách canh tác cây ném rất hiệu quả vì giữ được đất, tiết kiệm nguồn nước. Bên cạnh trồng ném, bà con còn xen canh các loại hoa màu ngắn ngày, vừa tăng thu nhập vừa để giữ đất và tăng hiệu quả sử dụng đất trên đơn vị diện tích.
Để xây dựng thương hiệu về cây ném, chính quyền đã có đề án nhân rộng mô hình, hỗ trợ bà con nông dân 500.000 đồng/1 sào. Năm qua trên địa bàn xã đã mở rộng thêm khoảng 6 ha.
Ông Hoàng Ngọc Bảo, Phó chủ tịch xã Điền Môn cho biết chính quyền đang cố gắng tạo danh hiệu cho ném Điền Môn, tìm các công ty thu mua tập trung để giúp cho bà con có thu nhập ổn định. Ngoài ra, còn đầu tư hệ thống điện, đường và nước tưới để phục vụ bà con.
“Trong thời gian này, ném có một số dịch bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nên chúng tôi cũng cố gắng triển khai các biện pháp, kết hợp với Hội Nông dân giúp đỡ bà con kỹ thuật chăm sóc ném”, ông Bảo cho biết thêm.
Bình luận (0)