Tạo ngộ nhận khi không đề cập đến nhiệm sở chính
Tuy nhiên, lọc sơ bộ danh sách 2.134 bài báo ISI năm 2019 do chính Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) công bố, có thể thấy ngay một nhóm 34 tác giả có từ 20 bài trở lên (người nhiều nhất đến… 90 bài), gồm 22 người nước ngoài và 12 người Việt.
Trong 22 người có đứng tên TDTU, bao gồm 14 người nước ngoài và 8 người Việt, nhưng chỉ 2 người (tỷ lệ 9,1%) có thể kiểm chứng được là cán bộ nghiên cứu thực thụ của TDTU.
Đáng chú ý là trong 865 lượt xuất hiện của 14 tác giả người nước ngoài, chỉ 13,1% có đồng tác giả người Việt đang công tác tại một trường ĐH VN, và 7,7% có đồng tác giả người Việt đang công tác tại TDTU. Biết rằng một số tác giả có thể cùng đứng tên trong một hay nhiều bài báo, tổng số bài báo liên quan đến 14 người này, ứng với khoảng 1,3% tổng số cán bộ cơ hữu của TDTU, có thể dao động trong khoảng 500 - 600 bài (tỷ lệ xấp xỉ 25% tổng số bài báo đang xét). Nếu xem việc mỗi tác giả có ít nhất 1 đồng tác giả người Việt cùng đứng tên TDTU là chuyển giao năng lực nghiên cứu, thì tỷ lệ chuyển giao bình quân của nhóm 22 người có “năng suất xuất bản” hàng đầu này của TDTU chỉ là 10,7%.
Điều đặc biệt ở đây là hiện tượng luân phiên đứng tên TDTU và những trường khác được tổ chức một cách rất nhịp nhàng và bài bản. Khi đứng tên TDTU, tuyệt đại đa số đều dùng cả hai dòng nhiệm sở để ghi hai đơn vị của TDTU, thường là một nhóm nghiên cứu và một khoa đào tạo, mà hoàn toàn không ghi nhiệm sở chính của mình. Tức là, khác với các trường ở Ả Rập Xê Út hay Chile cho ghi cùng lúc hai nhiệm sở chính phụ để thuyết minh lý do hợp tác nghiên cứu, cách ghi cả hai đơn vị TDTU trong hai dòng nhiệm sở tạo ra một sự nhầm lẫn rằng tác giả là người làm việc toàn thời gian cho TDTU.
Luân phiên “đổi vai” cho nhau
Hơn thế nữa, trong số 22 tác giả có đứng tên TDTU nêu trên, 14 người (63,6%) thường xuyên đứng tên từ 1 - 3 trường khác trong các bài báo công bố cùng quãng thời gian. Hễ người này đứng tên TDTU thì người kia chuyển qua đứng tên một trường khác và ngược lại.
Một ví dụ điển hình của tác giả Timon Rabczuk thuộc ĐH Weimar (Đức), cùng hai đồng tác giả Xiaoying Zhuang (ĐH Đồng Tế, Trung Quốc và ĐH Leibniz, Đức) và Shahaboddin Shamshirband (ĐH Khoa học công nghệ Na Uy). Trong nhóm này, có đến 20/22 (90,9%) tác giả là người nước ngoài hoặc người Việt không có nhiệm sở chính ở TDTU thường xuyên đổi vai cho nhau. Có trường hợp dùng những tên khác nhau cho các trường khác nhau. Chỉ cần tra cứu các danh bạ học thuật phổ biến như ORCID, Scopus, Publons, Google Scholar, ResearchGate... sẽ dễ dàng nhận ra các tác giả này còn có nhiều bài báo đứng tên nhiều trường khác.
Ở nước ngoài phổ biến nhất vẫn là các trường ở khu vực Trung Đông (Ả Rập Xê Út, Iran, Iraq, Kuwait, Tunisia…) hay Nam Á và Đông Nam Á (Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…) nhưng vẫn có vài cái tên rải rác ở các nước và vùng lãnh thổ khác như: Đức, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Trong nước có thể kể tên các Trường ĐH Duy Tân, ĐH Phenikaa, Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM... Chính tác giả Timon Rabczuk năm 2018 có bài khi được duyệt thì ghi nhiệm sở là hai Trường ĐH Weimar và Trường ĐH Duy Tân, nhưng khi đăng chính thức thì hai dòng nhiệm sở này lại biến thành hai đơn vị của TDTU mà hoàn toàn không thay đổi gì về tựa bài, số đồng tác giả và nội dung bên trong.
Dù nhóm tác giả này phối hợp đổi vai rất nhịp nhàng, trong thực tế đại đa số trường họ đứng tên luân phiên trong các bài báo không có quan hệ hợp tác chính thức nào với nhau. Phải chăng, do ARWU giảm điểm thống kê trong các bộ chỉ mục SCI-E/SSCI (PUB) khi một tác giả đứng tên 2 nhiệm sở trong một bài báo, nên các trường muốn thăng hạng nhanh chóng đã quyết liệt yêu cầu tác giả bỏ qua hoàn toàn nhiệm sở chính của họ? Có lẽ nhiều trường chủ quản biết rõ chuyện này nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nhắm mắt làm ngơ, để cho người của mình tự do phát triển mối quan hệ cộng tác hoàn toàn mang màu sắc cá nhân như vậy.
Thủ thuật luân phiên đổi vai để khai man nhiệm sở này đã vi phạm các nguyên tắc trung thực và ngay thẳng trong nghiên cứu khoa học của Tuyên bố Singapore, cũng như các tiêu chí minh bạch trong hợp tác nghiên cứu cả ở hai cấp độ cá nhân và tổ chức của Tuyên bố Montreal. Giáo sư Mario Biagioli (ĐH California, Los Angeles), trong một bài báo đăng tạp chí Los Angeles Review of Books tháng 9.2020, đã xếp thủ thuật này trong nhóm hành vi “gian lận hậu kỳ” (postproduction misconduct). Tức là nội dung các bài báo là thật, chỉ giả ở khâu tạo hiệu ứng tác động đo lường thư mục. Hệ quả là một số nhà nghiên cứu năng nổ không chỉ ngồi chờ được mời gọi, mà còn chủ động đưa danh sách xuất bản của mình ra “đấu giá”, với dẫn chứng chính từ... Việt Nam.
Nhà khoa học Việt Nam được trích dẫn nhiều nhất thế giới bị loại hồ sơ xét giáo sư
Mới đây, PGS Nguyễn Thời Trung, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, người từng được dư luận biết đến là nhà khoa học Việt Nam được trích dẫn nhiều nhất thế giới, đã bị Hội đồng Giáo sư ngành cơ học loại hồ sơ khi xét để công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư trong đợt xét năm 2020. Theo Hội đồng Giáo sư ngành cơ học, PGS Trung có số lượng công bố quá nhiều, tăng đột biến, bất thường trong 2 năm gần đây, trong đó có nhiều bài không thuộc lĩnh vực ngành cơ học. Ban đầu, PGS Trung khai công bố 103 bài báo khoa học, trong đó có 102 bài ISI. Nhưng thực tế, PGS Trung có khoảng 250 bài báo, trong đó có nhiều bài báo đứng tên chung với những tác giả quốc tế đang bị nhiều nhà khoa học nghi ngờ liêm chính trong học thuật.
Quý Hiên
|
Các trường nên cùng hợp tác để thúc đẩy nền khoa học Việt Nam
Những thủ thuật khai man nhiệm sở để tạo thành tích ảo trong công bố khoa học quốc tế hoàn toàn không có lợi gì cho việc phát triển nghiên cứu trong nước một cách thực chất.
Năm 2017, Hội đồng cấp cao về đánh giá khoa học và giáo dục ĐH (HCÉRES) của Pháp có kết quả kiểm định dành cho 4 trường ĐH Việt Nam gồm: Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Bách khoa Đà Nẵng và Bách khoa TP.HCM. Năm 2018 có thêm TDTU. Lúc đó các chuyên gia HCÉRES đã khuyến cáo các trường ĐH Việt Nam cần chú trọng phát triển các nhóm nghiên cứu tự chủ tại chỗ, hoàn toàn độc lập với các nhà khoa học nước ngoài, ưu tiên thích đáng cho các đề tài tương thích với bối cảnh học thuật địa phương.
Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác nghiên cứu liên trường (chứ không phải cộng tác cá nhân) với các trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước nhằm tạo hiệu quả tác động kinh tế xã hội và khả năng chuyển giao tri thức. Một điểm chung bộc lộ rõ nhất qua cả 5 bản báo cáo đánh giá kiểm định của HCÉRES dành cho các trường Việt Nam là sự thiếu gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo.
Vì vậy, nên chăng thay vì tách mình ra khỏi cộng đồng khoa học sở tại để “một mình một ngựa” leo lên các bảng xếp hạng quốc tế nhanh chóng nhưng không đúng thực chất, các trường ĐH trong nước hãy ngồi lại với nhau, bàn thảo phương thức hợp tác nghiên cứu sòng phẳng, minh bạch cả về lợi ích và nghĩa vụ của mỗi bên?
Một sự hợp tác học thuật công bằng, liêm chính mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng khoa học và kinh tế xã hội trong nước, tăng cường giá trị và chất lượng các công trình nghiên cứu thực sự của Việt Nam trên trường quốc tế, là điều hoàn toàn khả dĩ.
|
Bình luận (0)