Thủ tục nhận kết quả xác nhận có quốc tịch VN: Vì sao không cho nhận thay, ủy quyền?

Ngân Nga
Ngân Nga
04/02/2024 07:02 GMT+7

Do luật Quốc tịch VN không cho phép người dân được ủy quyền cho người thân nhận kết quả xác nhận có quốc tịch VN, mà buộc phải nhận trực tiếp, đã gây nhiều phiền hà.

Phải bay từ nước ngoài về nhận kết quả

Chị H. (TP.HCM) sống từ nhỏ ở nước ngoài. Hơn một năm nay, chị về VN sinh sống và có nguyện vọng được làm căn cước công dân (CCCD) để mua xe, nhằm thuận tiện cho việc đi lại; nhưng muốn vậy chị phải có quốc tịch VN. Qua tìm hiểu, chị H. đã chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ hành chính nhằm chứng minh về nguồn gốc cư trú, gia đình…

Sau khi đáp ứng đủ hồ sơ, chị H. đến Sở Tư pháp TP.HCM làm thủ tục cấp giấy xác nhận có quốc tịch VN ở trong nước. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đã hẹn chị 28 ngày đến nhận kết quả. Không may, trong khoảng thời gian này, người thân chị đang ở nước ngoài bị bệnh, nên chị H. phải bay gấp sang chăm sóc. Vì thế chị không thể đến nhận kết quả theo đúng hẹn.

Chị H. đã nhờ người thân đến Sở Tư pháp TP.HCM hỏi về thủ tục ủy quyền nhận giúp kết quả. Tuy nhiên, cán bộ kiên quyết từ chối, không cho người thân chị nhận giúp vì "theo quy định, đối với quốc tịch thì của ai người đó làm thủ tục và phải trực tiếp đến nhận kết quả". Không còn cách nào khác, chị H. đành bay về nước để nhận. Việc này gây ra nhiều tốn kém chi phí đi lại và ảnh hưởng đến công việc gia đình của chị.

Thủ tục nhận kết quả xác nhận có quốc tịch VN: Vì sao không cho nhận thay, ủy quyền?- Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM

NGÂN NGA

Không nhận hồ sơ qua online

Theo báo cáo của Sở Tư pháp TP.HCM, năm 2013 đơn vị này tiếp nhận và xử lý 254 hồ sơ quốc tịch các loại (tăng 92 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2022). Một cán bộ của Sở Tư pháp TP.HCM cho biết hiện sở này chỉ tiếp nhận hồ sơ nộp trực tiếp tại trụ sở, không nhận hồ sơ qua online và bưu điện. Lý do là hiện chưa triển khai hình thức tiếp nhận hồ sơ liên quan đến quốc tịch qua đường bưu điện, nên bưu điện chưa thể thu phí. Đồng thời, ngoài việc phải đến trực tiếp làm thủ tục tại Sở Tư pháp, người dân cũng không được ủy quyền cho người thân làm hay nhờ nhận kết quả.

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty Luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao) chia sẻ, các trường hợp xin nhập quốc tịch VN, xin nhập quốc tịch VN đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại VN, xin trở lại quốc tịch VN, xin thôi quốc tịch VN (điều 21, 22, 25 và 29 luật Quốc tịch) có quy định về thủ tục khác nhau.

Theo khoản 5 điều 3 Nghị định 16 năm 2020, kết quả giải quyết các việc về quốc tịch được trả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính cho người yêu cầu. Người yêu cầu trả kết quả qua hệ thống bưu chính phải nộp chi phí trả kết quả qua bưu chính.

Nhưng tại khoản 1 điều 3 Nghị định 16, người xin nhập quốc tịch VN phải trực tiếp nộp hồ sơ tại sở Tư pháp nơi người đó cư trú, không được ủy quyền cho người khác thực hiện thay cũng như ủy quyền để nhận kết quả.

Cần sửa đổi luật Quốc tịch cho phù hợp với nhiều luật khác

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Văn phòng Luật sư Bùi Quốc Tuấn) phân tích thêm, trường hợp người xin trở lại, xin thôi quốc tịch VN… hoặc vùng lãnh thổ không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của VN ở nước ngoài (gọi là cơ quan đại diện) thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất.

Trong khi đó, tại điều 138 bộ luật Dân sự, cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người ủy quyền có thể lựa chọn một trong hai hình thức văn bản ủy quyền là hợp đồng ủy quyền, hoặc giấy ủy quyền. Hợp đồng ủy quyền phải được bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền ký tên vào hợp đồng. Giấy ủy quyền được lập khi bên ủy quyền đơn phương ủy quyền, không cần có mặt của bên được ủy quyền.

Căn cứ điều 55 luật Công chứng, quy định việc lập hợp đồng ủy quyền do các bên cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng để ký. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng, thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền. Còn bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này.

Về thẩm quyền công chứng hợp đồng ủy quyền ở nước ngoài, khoản 7 điều 8 luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN VN ở nước ngoài quy định cơ quan đại diện thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật VN và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN VN và quốc gia tiếp nhận là thành viên.

Ngoài ra, tại khoản 1 điều 78 luật Công chứng, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của nước CHXHCN VN ở nước ngoài được công chứng văn bản ủy quyền.

Từ những phân tích trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn cho rằng việc liên quan đến quốc tịch người dân không được ủy quyền cho người thân nhận kết quả giúp cũng khá bất tiện. Trên thực tế, một số trường hợp bận công việc, phải đi về nước ngoài, không đến nộp hoặc nhận được các giấy tờ theo lịch hẹn. "Theo tôi, chúng ta nên xem xét lại luật, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, tránh gây phiền hà, tốn kém cho họ. Người xin nhập quốc tịch hay các thủ tục khác mà đã nộp đầy đủ các giấy tờ hợp lệ khi nộp, thì chỉ cần ủy quyền cho người khác nhận thay là phù hợp với quy định về ủy quyền theo bộ luật Dân sự, luật Công chứng như dẫn chứng ở trên", luật sư Tuấn nói.

Đồng tình với việc cần xem xét sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn của người dân, luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh cũng cho rằng quy định cứng nhắc như hiện nay sẽ gây khó khăn, làm mất nhiều thời gian, công sức của người dân.

Theo đó, chúng ta có thể sửa đổi quy định hiện hành theo hướng đối với việc nhận kết quả về đăng ký quốc tịch, người dân được ủy quyền cho người thân khi họ chứng minh được có văn bản ủy quyền có công chứng, chứng thực. Đồng thời, khi người thân nhận kết quả cũng có thể ký thêm văn bản cam kết với cơ quan đăng ký hộ tịch, quốc tịch để đảm bảo họ đã nhận được kết quả và có trách nhiệm giao cho người đăng ký.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, căn cứ điều 11 luật Quốc tịch VN, một trong các giấy tờ sau có giá trị chứng minh người có quốc tịch VN: Giấy khai sinh; trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch VN thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch VN của cha mẹ; giấy CMND; hộ chiếu VN; quyết định cho nhập quốc tịch VN, quyết định cho trở lại quốc tịch VN, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em VN làm con nuôi.

Tại điều 31 Nghị định 16 năm 2020 quy định người yêu cầu cấp giấy xác nhận có quốc tịch VN phải có 1 bộ hồ sơ, gồm tờ khai theo mẫu quy định, kèm 2 ảnh 4 x 6 chụp chưa quá 6 tháng và bản sao các giấy tờ như CMND, CCCD, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.