Thủ tướng kêu gọi nước giàu giúp nước nghèo chống biến đổi khí hậu

Chí Hiếu
Chí Hiếu
03/11/2021 07:48 GMT+7

Phát biểu tại sự kiện công bố cam kết giảm phát thải metan ở Hội nghị COP26 vào tối qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau đoàn kết trên nguyên tắc công bằng, công lý, để hành động quyết liệt nhằm thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Tối 2.11 (đầu giờ chiều theo giờ địa phương) tại TP.Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại lễ công bố cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, do Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đồng chủ trì. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị COP26 đang diễn ra từ ngày 31.10 - 12.11. Trong đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư mời lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh từ ngày 1 - 2.11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26

Reuters

Hai thông điệp của Thủ tướng

Tại lễ công bố cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao việc ban tổ chức là Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã mời tham dự sáng kiến rất quan trọng và ý nghĩa này. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam muốn gửi đến hội nghị 2 thông điệp. Thứ nhất, Thủ tướng cho rằng metan sinh ra là do sản xuất, khai thác, xử lý rác thải thiếu khoa học, không bền vững, làm tăng nhiệt độ trái đất. “Do vậy tất cả chúng ta phải đoàn kết thống nhất, chung tay ngăn chặn đẩy lùi làm giảm sự gia tăng của khí thải metan”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Nhiều nước cam kết bảo vệ rừng

AFP hôm qua đưa tin lãnh đạo các nước tại Hội nghị COP26 đưa ra cam kết nhằm chấm dứt nạn phá rừng trước năm 2030. Theo nước chủ nhà Anh, cam kết thu hút nguồn vốn hơn 20 tỉ USD từ lĩnh vực công, tư và sự ủng hộ của hơn 100 lãnh đạo tại các nước sở hữu 85% diện tích rừng trên toàn cầu, trong đó có rừng Amazon, rừng phía bắc Canada và lưu vực sông Congo. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, thỏa thuận có ý nghĩa then chốt đối với mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu, khi con người “chấm dứt lịch sử chinh phục và trở thành người canh giữ thiên nhiên”.

Khánh An

Thủ tướng nhấn mạnh rằng đây là vấn đề toàn cầu nên chúng ta phải có cách tiếp cận toàn cầu, và đây cũng là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển, nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh Châu Âu có sự chia sẻ, giúp đỡ ủng hộ các nước đang phát triển, các quốc gia nghèo về đào tạo và đổi mới sáng tạo; về công nghệ; tài chính; thể chế và về quản trị, qua đó giúp họ tham gia quá trình làm giảm phát thải metan một cách an toàn hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh chung của nhân loại luôn xanh, an toàn và bền vững.

Mỹ hoan nghênh Việt Nam cam kết phát thải ròng về 0

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số lãnh đạo các nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Tổng thống Biden tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam và các nước châu Á; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ và mong muốn phát triển quan hệ ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định.

Tổng thống Biden đánh giá cao sự tham gia chủ động, tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đặc biệt là việc đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ phát triển tích cực hơn nữa, trong đó có hợp tác về tài chính công nghệ để giải quyết các vấn đề khí hậu, nhất là thực hiện đầy đủ các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, hoan nghênh sự tham gia của các công ty Mỹ vào các lĩnh vực phát triển xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng đã có các cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cùng tham dự hội nghị tại Anh.

"Đồng hồ tận thế" sắp điểm nếu thế giới không hành động vì khí hậu

Việt Nam mua thêm 25 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca

Ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký mua 25 triệu liều vắc xin AstraZeneca và cam kết đầu tư vào Việt Nam

Chí Hiếu

Trước đó, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với Tập đoàn AstraZeneca và chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua hơn 25 triệu liều vắc xin của Công ty CP vắc xin Việt Nam (Việt NamVC) với đối tác này.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của AstraZeneca khi góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của toàn cầu, cũng như là đối tác cung cấp vắc xin đầu tiên cho Việt Nam, thông qua hợp đồng với chính Việt NamVC vào tháng 11.2020. Nhấn mạnh đến vai trò của vắc xin có ý nghĩa rất lớn khi Việt Nam chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, Thủ tướng mong rằng AstraZeneca sẽ bàn giao nốt ngay trong tháng 11 này khoảng 8 triệu liều vắc xin chưa được giao trong số 30 triệu liều đã ký theo hợp đồng năm ngoái.

Bên cạnh đó, Thủ tướng kỳ vọng sắp tới AstraZeneca sẽ có thêm các loại thuốc, vắc xin khác trước nguy cơ có các biến thể mới, vắc xin cho trẻ em để góp phần nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng của Việt Nam.

Lãnh đạo AstraZeneca cho hay sẽ bàn giao số vắc xin còn lại trong tháng 11 và lô vắc xin mới ký cũng sẽ được giao một phần trong tháng 12.2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.