Thủ tướng: Không tiếc tiền đầu tư đào tạo nghề nhưng phải hiệu quả

Thu Hằng
Thu Hằng
20/08/2022 15:25 GMT+7

Chương trình phục hồi và phát triển đang dành khoảng 2.000 tỉ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề , giải quyết việc làm và dự kiến bố trí thêm. Chủ trương của chúng ta là không tiếc kinh phí cho việc này, nhưng sử dụng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, diễn ra sáng nay 20.8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Nhật Bắc

Hội nghị kết nối đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, các chuyên gia trong và ngoài nước…

Lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.

Đại diện tập đoàn tuyển dụng và tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới, ông Nguyễn Xuân Sơn đến từ Manpower tại Việt Nam cho hay, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.

Ngoài kỹ năng nghề, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

Từ những số liệu trên, ông Sơn nhìn nhận: “Lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp. Theo khảo sát của Manpower, có 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng”.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đánh giá, lực lượng lao động có kỹ năng của Việt Nam chưa cao.

“Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu cho thấy, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong khi Singapore đứng thứ 79. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học”, vị này nói.

Dẫn lại số liệu cuộc điều tra năm 2019 trong các doanh nghiệp của Việt Nam, đại diện WB cho hay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng. 73% doanh nghiệp có báo cáo rằng họ gặp khó khăn trong tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp. Con số này cho thấy có khoảng cách lớn giữa cung và cầu lao động Việt Nam.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố

Thu HẰng

Trong thời kỳ mới đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng cao và chuyên sâu hơn, để giải quyết vấn đề này, đại diện WB gợi ý: “Việt Nam cần cải thiện hệ thống lao động để số lượng lao động tốt nghiệp cao học cao hơn, đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng lao động để họ có đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời mình; đào tạo lao động có những kỹ năng mới, như kỹ năng số, kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập chất lượng cao và kỹ năng xanh…”.

Ngoài ra, đại diện WB cũng cho rằng, cần tăng cường mối quan hệ liên kết với các doanh nghiệp trong thiết kế các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động; đồng thời đầu tư vào hệ thống thông tin việc làm tích hợp giữa người lao động, người tuyển dụng lao động, các cơ sở đào tạo.

Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng sống cho lao động trẻ

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý về thực trạng thiếu hụt cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống của lao động trẻ hiện nay.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để đẩy mạnh phân luồng. Cần bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động, chú trọng đào tạo cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống.

"Hiện nay, chương trình phục hồi và phát triển đang dành khoảng 2.000 tỉ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm và dự kiến sẽ bố trí thêm, chủ trương của chúng ta là không tiếc kinh phí cho việc này, nhưng sử dụng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, Thủ tướng yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.

Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB-XH sau hội nghị này chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.