Thủ tướng nêu 5 yếu tố để Việt Nam 'đi sau về trước' trong phát triển xanh

Mai Hà
Mai Hà
(từ UAE)
02/12/2023 16:06 GMT+7

Kêu gọi các nguồn lực đầu tư để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhu cầu vốn và công nghệ tiên tiến.

Sáng 2.12 (giờ địa phương), tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - UAE: Huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh, với sự có mặt của gần 200 doanh nghiệp. 

Trong đó, có 120 doanh nghiệp UAE và quốc tế thuộc các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất, tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư và các tổ chức quốc tế.

Thủ tướng nêu 5 yếu tố để Việt Nam 'đi sau về trước' phát triển xanh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn sáng 2.12

DƯƠNG GIANG

Ông Ben Backwell, Giám đốc Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cho biết GWEC đã hợp tác với một số doanh nghiệp để tạo nên nguồn gió bền vững, xây dựng liên minh năng lượng…

Theo ông Blackwell, nhiều nước có điện gió ngoài khơi phát triển do khả năng cạnh tranh cao. Hiện, Việt Nam đã có Quy hoạch điện VIII với nhiều mục tiêu, trong đó có điện gió, năng lượng tái tạo. Tổ chức này đã làm việc với 16 quốc gia trên thế giới và mong muốn Việt Nam tham gia để cùng trao đổi về điện gió ngoài khơi.

Còn theo bà Jackikle Nilsson, Ủy viên thường trực GWEC, Phó chủ tịch Tập đoàn Equinor - công ty năng lượng quy mô lớn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập đoàn này từng hoạt động trong lĩnh vực dầu khí nhưng đang chuyển đổi năng lượng, cố gắng tìm cơ hội mới. 

Equinor đã có dự án rất lớn như tại Anh, hướng tới có nhiều trang trại điện gió trên thế giới. Tại Việt Nam, tập đoàn này đã có mặt từ những năm 1990, hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), mở văn phòng tại Việt Nam vào năm 2022 và có 2 dự án điện gió ngoài khơi.

Theo bà Nilsson, ưu điểm của điện gió ngoài khơi là chi phí ngày càng giảm đi, tạo thêm nhiều việc làm. Song, để phát triển lĩnh vực này, cần quy hoạch không gian biển và Nghị định 11 về sử dụng nguồn lực biển là khuôn khổ pháp lý quan trọng. 

Các dự án điện gió cần được phê duyệt từ nhiều bộ, ngành khác nhau, do đó cần sự hợp tác liên bộ để thúc đẩy các thủ tục, cơ chế và tiến trình thực hiện.

Ông Kelvin Tan, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư tài chính bền vững khu vực ASEAN (Ngân hàng HSBC), cho rằng nhu cầu nguồn tài chính để đạt mục tiêu Net Zero đến năm 2050 rất lớn, lên tới hàng nghìn tỉ USD. Tương tự, với Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần nhu cầu đầu tư rất lớn, dự kiến khoảng hàng chục tỉ USD.

Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết về liên minh trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Các dự án này đều có nguồn vốn lớn, khoản vay dài hạn, đòi hỏi hợp đồng mua bán điện phù hợp. Bên cạnh đó, các bên tham gia phải có độ xếp hạng tín nhiệm cao, tránh những rủi ro về chính trị, tỷ giá… Ông Kelvin Tan cũng cho rằng, Việt Nam có lịch sử tốt về cho vay tài chính, “sẽ tận dụng được các lợi thế để thu hút nguồn lực”.

Chia sẻ với các nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có yếu tố nền tảng tốt để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài; cam kết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, Việt Nam phát triển dựa trên 3 trụ cột chính, thực hiện 3 đột phá chiến lược. Trong đó, thể chế thông thoáng, kiến tạo phát triển, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn; phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics; cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thủ tướng nêu 5 yếu tố để Việt Nam 'đi sau về trước' phát triển xanh - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn CT Group và Tập đoàn Fairatmos về thiết lập và tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon

DƯƠNG GIANG

Theo Thủ tướng, sau COP26, tình hình thay đổi rất nhanh với nhiều thách thức từ dịch bệnh, thiên tai. Dù vậy, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Với câu hỏi Việt Nam cần gì để phát triển xanh, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ: thứ nhất, cần vốn ưu đãi. Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế chuyển đổi, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, độ mở cao. Quy mô GDP hơn 400 tỉ USD nhưng xuất, nhập khẩu năm 2022 khoảng 700 tỉ USD, nằm trong top 20 thế giới, khả năng chống chịu các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.

Thứ hai, Việt Nam cần công nghệ tiên tiến, bởi nếu dùng công nghệ lạc hậu sẽ đi sau. Việt Nam cần “đi sau về trước” về công nghệ. Bên cạnh đó, cần nguồn nhân lực được đào tạo; quản trị tiên tiến và xây dựng thể chế thông thoáng, phù hợp với hoàn cảnh, văn hóa Việt Nam.

Về cách thức tổ chức, Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng, hình thành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch công khai, minh bạch, phù hợp với lợi thế cạnh tranh. Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ về pháp lý như xây dựng giá cả phù hợp, phương thức thanh toán thuận lợi, cách thức tổ chức làm sao đầu tư ít nhưng lợi ích cao. 

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tuần hoàn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam cho sự phát triển nhanh và bền vững, chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang xanh.

“Việt Nam là địa chỉ tin cậy để gửi gắm, chúng tôi không phụ niềm tin của các bạn; đảm bảo niềm tin không những ổn định mà còn phát triển. Đã tin cậy rồi càng tin cậy hơn, đã phát triển rồi phát triển hơn nữa, yêu quý nhau rồi thì yêu quý hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế. Trong đó, có Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn CT Group và Tập đoàn ACX về thiết lập, tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon. Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn CT Group và Tập đoàn Fairatmos về thiết lập và tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.