Thủ tướng: ‘Phải thấm nhuần bài học xương máu khi chưa đủ vắc xin’

Mai Hà
Mai Hà
13/09/2022 14:58 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng, sớm khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, không để dịch bùng phát trở lại.

Sáng 13.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 17.

Tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Nhật bắc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 nên phức tạp và gia tăng trở lại; vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng phòng chống dịch.

Tại Việt Nam, dịch bệnh đang được kiểm soát, nhưng so với tháng 7.2022, tháng 8 đã ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca). Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Trong 7 ngày qua (5.9 - 11.9) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7.9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua).

Số ca mắc mới, số ca nặng, ca tử vong có xu hướng tăng (so với tháng 7, trong tháng 8, số ca nhập viện tăng 330%, số ca nặng, nguy kịch cần thở ô xy tăng 316%). Có 35% ca nặng, tử vong thuộc các trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc xin.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dịch bệnh vẫn được kiểm soát nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do virus liên tục thích ứng, tiến hóa với các biến chủng mới, hiệu lực bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian. Trong khi đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu: “Phải quán triệt, thấm nhuần, tuyệt đối không được quên "bài học xương máu" khi chúng ta chưa tiếp cận được vắc xin do khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế. Chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội”.

Không được “đủng đỉnh” mua sắm thuốc

Thủ tướng giao Bộ Y tế bám sát tình hình, rà soát, cập nhật các biện pháp, tinh thần là không để dịch bùng phát trở lại. Cơ quan, đơn vị nào để dịch bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những chủ quan, sơ hở, yếu kém của mình.

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia

Gia hân

Thủ tướng nêu rõ, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần rà soát, làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm việc chưa hoàn thành việc tiêm vắc xin, khẩn trương có biện pháp khắc phục.

Bộ Y tế, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành, Bộ Y tế bảo đảm thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

"Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài. Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Nếu việc mua sắm "đủng đỉnh" thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút", Thủ tướng nói.

Các Bộ Y tế, KH-ĐT, Tài chính khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm; sửa đổi ngay các thông tư để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm. Đồng thời, kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác này.

Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, quyết liệt triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không bỏ sót đối tượng nào, nhất là những người khó khăn, người yếu thế và đặc biệt là các cháu mồ côi do dịch bệnh.

"Đất nước còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn dành ngân sách để lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có tiền mà không tiêu được là có lỗi với dân", Thủ tướng nêu rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.