Thủ tướng ví quan hệ Việt - Mỹ như bữa ăn đủ vị chua cay mặn ngọt

Chí Hiếu
Chí Hiếu
13/05/2022 00:08 GMT+7

Thủ tướng cho rằng, quan hệ 2 nước Việt - Mỹ có lúc thăng trầm, mặn, đắng, chua cay, đó là điều tất nhiên trong cuộc sống, nhưng quan trọng là đang bước vào giai đoạn quả ngọt và đầy cảm hứng.

Những suy nghĩ trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ khi phát biểu trước các doanh nghiệp Mỹ trong buổi làm việc do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức.

Điểm lại quan hệ 2 nước, nhất là sau 27 năm bình thường hóa, Thủ tướng thẳng thắn rằng quan hệ hai nước trải qua nhiều thăng trầm, chua cay, đắng ngọt đủ cả, song Thủ tướng cho rằng “đó là bình thường, tất yếu” trong cuộc sống.

Thủ tướng phát biểu trước các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ

nhật bắc

Sự kiện "phút cuối" Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương TPP được Thủ tướng dẫn ra ví dụ nhưng như Thủ tướng nói “không có gì phải lo lắng bởi quan trọng là có trách nhiệm, chân thành với nhau” và thực sự thì quan hệ hai bên đang bước vào giai đoạn quả ngọt, đầy cảm hứng để mang lại thịnh vượng cho người dân hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác quốc tế.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu. Các hoạt động hợp tác hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là đầu tư, tài chính, hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thủ tướng dẫn chứng, tăng trưởng thương mại ấn tượng từ 17 - 20%/năm, chứng tỏ không gian phát triển kinh tế rất lớn. Thương mại song phương đạt kỷ lục với khoảng 112 tỉ USD trong năm 2021 - là năm khó khăn do đại dịch. Việt Nam đã là đối tác lớn thứ 9 của Mỹ và là đối tác lớn nhất về thương mại của Mỹ tại khu vực ASEAN. Trong khi Mỹ ỳ là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam.

Bên cạnh đó, khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cho thấy có tới 80% doanh nghiệp được hỏi trả lời “tích cực và rất tích cực” về kế hoạch mở rộng làm ăn tại VN.

“Dư địa phát triển còn rất nhiều. Chúng tôi đang tập trung cho đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Hai nền kinh tế của chúng ta bổ sung cho nhau chứ không triệt tiêu. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để mang lại nhiều lợi ích cho DN, người dân hai nước”, Thủ tướng nói, đồng thời không quên nhắc lại tuyên bố tầm nhìn Việt Nam - Mỹ trong chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, rằng “hai bên tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau” cũng như Mỹ thời gian qua luôn tuyên bố mong muốn Việt Nam mạnh mẽ, hùng cường, thịnh vượng là những tiền đề lớn cho hợp tác sắp tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, nhưng độc lập, tự chủ không có nghĩa là tự cung tự cấp, bao vây mình. Theo đó, muốn hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả thì phải có nền kinh tế độc lập, tự chủ, muốn vậy lại phải có hội nhập quốc tế. Đó là hai mệnh đề bổ sung cho nhau.

“Chúng tôi mong các đối tác, doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta cởi mở, chân thành để làm việc. Khi hợp tác với nhau thì lợi ích hài hoà mà rủi ro phải cùng nhau chia sẻ”, Thủ tướng bày tỏ.

Doanh nghiệp Mỹ hào hứng với lĩnh vực mới

Sau bài phát biểu của Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không, công nghệ… đều tỏ ra hào hứng mà quan tâm tới các định hướng phát triển mà Thủ tướng khẳng định.

Các doanh nghiệp Mỹ đặt câu hỏi với Thủ tướng

nhật bắc

Lãnh đạo Tập đoàn GE nêu vấn đề về kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Chính phủ Việt Nam mà đặt câu hỏi: liệu công nghệ số của Mỹ có thể hỗ trợ gì cho sự chuyển đổi này?

Trong khi đó, Phó chủ tịch AES - doanh nghiệp vừa được cấp chứng nhận đầu tư vào dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ cho hay họ rất hào hứng và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư thêm vào các lĩnh vực mới và “muốn được Thủ tướng có lời khuyên làm sao để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam nhằm tận dụng được sự tăng trưởng của Việt Nam về phát triển kinh tế”.

Trả lời doanh nghiệp, Thủ tướng cho hay mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam là rất cụ thể. “ Bên cạnh sự tự cường thì chúng tôi là nước đi sau, rất mong muốn nhờ kinh nghiệm nước đi trước như xử lý tập trung liên kết nền tảng, liên kết dữ liệu lớn. Ban chỉ đạo quốc gia về vấn đề này đã được lập do chính Thủ tướng đứng đầu”, Thủ tướng nói.

Tương tự, Thủ tướng cho biết, một ban chỉ đạo về thực hiện các công việc chống biến đổi khí hậu sau Hội nghị COP26 cũng đã ra đời và Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính, kinh nghiệm để triển khai vấn đề này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.