Phó chủ tịch tỉnh cảm thấy "rất buồn"
Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa chiều 11.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Thanh Hóa báo cáo trực tiếp việc có hay không khi thi công đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - QL45 dài gần 50 km đã làm hư hỏng gần 100 km đường dân sinh, và làm ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân như phát biểu của đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trong phiên chất vấn diễn ra ngày 7.11.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hỏi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa "có đúng là làm được mấy chục km đường cao tốc thì phá hỏng gần 100 km đường dân sinh không; có đúng làm ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân không? Nếu đúng thì anh Thắng (ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT) phải chịu trách nhiệm, nếu không đúng thì Thanh Hóa cần có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ trách nhiệm của đại biểu".
Trả lời Thủ tướng Chính phủ vấn đề trên, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ông "rất buồn" sau khi đại biểu Quốc hội phản ánh thông tin làm 1 km đường cao tốc thì gây hư hỏng 2 - 3 km đường dân sinh.
"Khi nghe thông tin đại biểu Quốc hội phát biểu ảnh hưởng của cao tốc thì cá nhân tôi rất buồn vì ý kiến đó. Các đường gom dân sinh khi làm đều lấy ý kiến của nhân dân. Còn làm thì phải có ảnh hưởng, nhưng không có người dân nào phản đối cách làm. Riêng ý kiến 100 km đường dân sinh hư hỏng thì tùy vào từng tuyến đường có mức độ lưu lượng, thời điểm phương tiện giao thông lưu thông. Các tuyến đường hư hỏng thì sửa ngay khi thi công, và nhóm đường dân sinh cấp thôn, xã, cấp huyện đã sửa chữa hoàn thành. Riêng tuyến đường tỉnh lộ, trong 31 tuyến đường tỉnh bị ảnh hưởng thì đã có 19 tuyến sửa xong, số còn lại đang khảo sát và đang tiến hành sửa" ông Liêm cho hay.
Cũng theo ông Liêm, tới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ có báo cáo gửi các cơ quan liên quan để báo cáo về thông tin phản ánh của đại biểu Quốc hội trước thực trạng ảnh hưởng khi thi công cao tốc Bắc – Nam.
Thông tin về tình hình các hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công cao tốc Bắc – Nam, ông Liêm cho biết quá trình thi công có ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.
"Làm mà không ảnh hưởng thì không có, hàng ngàn hộ dân ảnh hưởng nhưng đã di dời ra vị trí khác, địa điểm tái định cư đều lấy ý kiến nhân dân, tinh thần của tỉnh Thanh Hóa là hạn chế di chuyển người dân ra khỏi làng, khỏi xã. Đến giờ phút này cũng không có người dân nào khiếu nại, những gì tốt nhất cho dân thì cũng đã làm", ông Liêm nói.
Làm rõ phát ngôn về thực trạng ảnh hưởng do thi công cao tốc
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa báo cáo về thực trạng ảnh hưởng khi thi công dự án cao tốc Bắc – Nam, Thủ tướng Chính phủ lưu ý: "Tôi từng đến thăm khu tái định cư cho đường cao tốc ở H.Đông Sơn của tỉnh Thanh Hóa rồi, khu đó rất là đẹp. Chẳng lẽ ở tỉnh Thanh Hóa chỉ có khu đó là đẹp, còn các khu khác đều be bét hết à. Anh Nguyên (ông Lại Thế Nguyên, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa), anh phải có trách nhiệm, anh Liêm phó chủ tịch tỉnh anh ấy thấy buồn, thì anh có thấy buồn không. Trách nhiệm tái định cư là trách nhiệm của tỉnh, các anh kêu giữa Quốc hội thì vẫn là trách nhiệm của tỉnh. Tất nhiên, có cả trách nhiệm của Chính phủ. Việc này phải rõ ràng, khi báo cáo, phát biểu phải hết sức trách nhiệm".
"Nếu đúng thực trạng như đại biểu Quốc hội nêu thì phần nào của Chính phủ thì Chính phủ chịu trách nhiệm, cái gì thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành thì bộ đó chịu trách nhiệm. Nhưng phải đúng. Tôi đề nghị làm rõ cái này, và có báo cáo chính thức với Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội của Thanh Hóa", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trước đó, sáng 7.11, trong phần chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) cho biết, các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác sử dụng đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương. Tuy nhiên, "hệ lụy để lại cũng không phải là nhỏ".
Cụ thể là trong quá trình thi công, nhiều tuyến đường dân sinh, một số tuyến đê bị băm nát, sụt lún. Nhà cửa của dân vùng dự án bị rạn nứt. Kênh mương tiêu thoát nội đồng tắc nghẽn, hư hỏng. Giao thông nội đồng bị chia cắt…
"Người dân đi làm đồng một số nơi phải băng cắt qua đường cao tốc vì hầm chui dân sinh không có hoặc rất xa nên rất dễ gây mất an toàn giao thông. Chưa kể, việc thi công còn làm mất vệ sinh môi trường do bụi bặm", ông Hùng nêu.
Đại biểu Hùng cho biết, cứ trung bình làm 1 km đường cao tốc thì có đến 2 - 3 km đường dân sinh bị hư hỏng, hàng trăm nhà dân khu vực dự án bị rạn nứt, hàng chục ha đất sản xuất bị ảnh hưởng.
"Tôi ví dụ dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 qua Thanh Hóa dài 49,2 km. Nhưng sau 3 năm thi công đã làm hư hỏng 92,7 km đường dân sinh, ảnh hưởng tới người dân rất lớn. Địa phương phản ánh tới các ban quản lý của Bộ GTVT, các nhà thầu nhưng không xử lý được", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, lý do là trong tổng mức đầu tư dự án không bố trí kinh phí khắc phục hoàn trả, đền bù cho người dân nên gây bức xúc cho người dân. Từ đó, đại biểu Hùng mong Bộ trưởng GTVT quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng chia sẻ khó khăn của người dân. "Không vì mục tiêu làm đường cao tốc, không vì thiếu kinh phí mà chúng ta làm khó người dân", ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)