Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp bão Noru

Mai Hà
Mai Hà
25/09/2022 17:18 GMT+7

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký công điện của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương ứng phó bão số 4 (tên quốc tế là Noru) theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông (và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2022), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17.

Siêu bão Noru đang tàn phá Philippines, sắp xộc vào Biển Đông

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông, bão số 4 có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13 - cấp 14, giật cấp 16 (khi đến nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12 - cấp 13, giật cấp 15.

Cơn bão Noru đang ở cấp độ "nguy hiểm" và di chuyển rất nhanh về phía Biển Đông

p.H

Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26.9 bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và bắc Biển Đông. Chiều tối 27.9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và bắc Tây nguyên.

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "4 tại chỗ".

Theo đó, Bộ TN-MT chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ.

Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; căn cứ diễn biến và dự báo bão, ban hành lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch); rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét...

Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phối hợp chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hoạt động thủy sản, hệ thống điện, bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…

Bộ GTVT phối hợp, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, vùng cửa sông, trên sông, đặc biệt lưu ý những khu vực đã từng xảy ra các sự cố tàu vận tải khi có bão, lũ...

Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho người dân và tàu thuyền của Việt Nam vào trú tránh bão khi có yêu cầu của địa phương...

Siêu bão Noru là một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.