Thừa giáo viên văn, toán, thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học

Thu Hằng
Thu Hằng
25/02/2022 14:04 GMT+7

Tình trạng thiếu giáo viên (GV) cục bộ đang xảy ra ở một số môn học, cấp học và một số địa phương. Bộ GĐ-ĐT đề nghị năm học 2021 - 2022 bổ sung 27.850 biên chế GV.

Đây là thông tin được Bộ GD-ĐT đưa ra tại phiên giải trình “Thực hiện chính sách trong tuyển dụng giáo viên mầm non và vấn đề dạy và học trong tình hình Covid-19” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức sáng nay 25.2.

Phiên giải trình thực hiện chính sách pháp luật đối với GV mầm non, phổ thông diễn ra sáng nay 25.2

Thành MINH

Vấn đề không mới nhưng vẫn tồn tại

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục hiện nay thừa 10.178 GV (trong đó, thừa 5.175 GV tiểu học, 4.688 GV THCS, 315 GV THPT), thiếu 94.714 GV (trong đó, thiếu 48.718 GV mầm non, 20.210 GV tiểu học, 14.653 GV THCS, 11.133 GV THPT).

Ông Độ cho hay: “Tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ xảy ra ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa GV các môn như: ngữ văn, toán, thiếu GV dạy các môn đặc thù như: tin học, tiếng Anh, nghệ thuật...”.

Về nguyên nhân của thực trạng thừa GV, ông Bộ cho rằng, việc việc bố trí, điều động, phân công GV chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương. Bên cạnh đó, đối với cấp THCS và THPT, do cơ cấu GV phải bố trí theo từng môn học cũng dẫn đến tình trạng dư thừa ở một số môn, nhất là đối với các tỉnh vùng khó khăn, các trường nhỏ, số lớp ít.

Về thiếu GV, một trong những nguyên nhân là do tăng quy mô dân số hàng năm theo tỷ lệ tăng tự nhiên. Bên cạnh đó tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và các tỉnh Tây Nguyên thì di dân tự do cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đặt câu hỏi: “Tình trạng thừa thiếu GV mầm non, phổ thông phải chăng do chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng buổi học lên 2 buổi dẫn đến thiếu GV, do di dân thiếu cục bộ tại các khu công nghiệp hay còn các nguyên nhân nào khác”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại phiên giải trình

THành Minh

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho rằng do dân số tự nhiên tăng, mất cân đối giữa các vùng. Nhu cầu chất lượng giáo dục càng nâng cao và nhu cầu học tập ngày càng tăng. “Chúng tôi đã trao đổi với địa phương có thể áp dụng giải pháp điều động từ vùng này, sang vùng kia; từ môn này sang môn kia, nhưng để tận dụng hơn 10.178 GV thừa là rất khó khả thi”, ông Sơn nói.

Chia sẻ thêm về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đây là vấn đề không mới, nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay. Nguyên nhân thiếu GV là do số học sinh tăng đột biến, trung bình mỗi năm hơn nửa triệu. Bên cạnh đó, do dạy học 2 buổi trong ngày và tăng một số môn học theo chương trình đổi mới giáo dục nên cần thêm GV.

Đề xuất bổ sung 27.850 biên chế GV

Để giải quyết tình trạng thiếu GV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung khoảng 94.000 biên chế GV mầm non, phổ thông. Trước mắt đề xuất năm học 2021 - 2022 bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông.

Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng đối với những GV đã đạt chuẩn trình độ đào tạo; tập trung giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông. Các địa phương cần sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông…

Đánh giá về tinh giản biên chế của ngành giáo dục, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhìn nhận việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế của Bộ GD-ĐT đạt kết quả thấp, giản mà không tinh. Vai trò tham mưu của 2 bộ chủ quản với Chính phủ chưa quyết liệt, việc ban hành chính sách, chưa đánh giá một cách đầy đủ dẫn đến nguồn lực chưa bảo đảm, xảy ra tình trạng thiếu GV ở một số môn học mới.

Đại biểu Trường Giang hiến kế: “Chúng ta cần đổi mới chương trình giáo dục dạy và học chứ không chỉ mỗi học. Ví dụ như, ngoại ngữ và nghệ thuật là 2 bộ môn mà các tỉnh miền núi sẽ không bao giờ đủ. Tại sao chúng ta không đổi mới phương pháp dạy. Bộ GD-ĐT có thể thay đổi cách dạy ngoại ngữ, xây dựng các bài giảng tiếng Anh online, các giáo viên bộ môn khác thành huấn luyện viên. Nếu chúng ta cứ ban hành chính sách mới, e rằng chúng ta sẽ luôn trong tình trạng thiếu giáo viên”.

Tán thành với ý kiến tăng cường dạy và học qua chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, vấn đề này sẽ được tăng cường trong thời gian tới. Trong đó, sẽ tăng cường các bài giảng cho một số môn học.

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về giải pháp điều tiết, sắp xếp GV phù hợp với tăng giảm dân số cục bộ giữa thành thị và nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: “Giai đoạn 2022 - 2026, việc sắp xếp lại GV không cào bằng, không cơ học, giảm tùy theo đặc điểm từng địa bàn, từng địa phương. Năm học này, chúng tôi đề xuất tăng 27.850 cho GV, còn ngành khác không bổ sung. Những địa bàn, cấp học tập trung ưu tiên cho đô thị và mầm non. Mặc khác vẫn giảm số người hưởng lương từ ngân sách tương ứng với gần 45.000 viên chức. Bộ NV sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT bổ sung chính sách tiền lương nhất với nhà giáo theo lộ trình phù hợp”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Thành Minh

Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT sớm xây dựng chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông đến năm 2030 trong đó đưa ra dự báo, nghiên cứu chính sách đối với GV mần non, ngoài những chính sách đã có. Nếu không có chiến lược rất khó dự báo và bố trí GV trong thời gian tới.

Theo bà Trà, ngày 1.3 tới đây Ban Tổ chức T.Ư sẽ họp với các bộ, một trong những nội dung tại cuộc họp lần này là tính toán bổ sung cho việc thừa thiếu GV trong những năm tới.

Kết luận phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GD-ĐT tham tham mưu với Chính phủ sớm xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ GV góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới. Đặc biệt là xây dựng chiến lược phát triển giáo dục theo kiến nghị của Bộ Nội vụ.

Liên quan đến vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu các chính sách tăng cường xã hội hóa trong giáo dục, dạy các môn ngoại ngữ, tin học, âm nhạc… theo hướng có nhất thiết phải bố trí giáo viên cơ hữu hay có những hình thức dạy và học khác cho phù hợp.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, 10 địa phương thừa GV nhiều nhất: Trà Vinh, Kiên Giang, Hòa Bình, Phú Yên, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bắc Giang, Nghệ An.

10 địa phương thiếu GV nhiều nhất : Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Nguyên, TP HCM, Vĩnh Phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.