Trằn trọc nhiều giờ, làm sao để dễ ngủ?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
30/03/2024 00:06 GMT+7

Khó ngủ, mất ngủ khiến người mắc nằm trằn trọc nhiều giờ mà không ngủ được, thậm chí thức đến gần sáng. Tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gây mệt mỏi vào ban ngày, dễ cáu gắt và khó tập trung.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó ngủ, mất ngủ như căng thẳng, lo âu, mắc các bệnh lý như hen suyễn hoặc đau mạn tính. Không ít trường hợp khó ngủ là do nhịp sinh học cơ thể bị xáo trộn, chẳng hạn ban ngày ngủ quá nhiều hoặc dùng thiết bị điện tử như điện thoại, laptop trước khi ngủ. Âm thanh ồn ào hay ánh sáng quá mạnh cũng khiến khó chìm vào giấc ngủ, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

Trằn trọc nhiều giờ, làm sao để dễ ngủ?- Ảnh 1.

Thiết lập khung giờ ngủ và thức cố định sẽ giúp cơ thể duy trì nhịp sinh học ổn định, giúp dễ chìm vào giấc ngủ và thức dậy cũng tỉnh táo hơn

PEXELS

Khi không ngủ được, mọi người cần có thể áp dụng những cách sau:

Thiết lập thói quen ngủ đều đặn

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm tình trạng khó ngủ là thiết lập thói quen ngủ đều đặn. Điều này có nghĩa là chúng ta cần đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung thời gian trong ngày, kể cả vào cuối tuần.

Bằng cách đó, nhịp sinh học bên trong cơ thể sẽ được thiết lập. Khi nhịp sinh học này đã hình thành thì chúng ta sẽ dễ chìm vào giấc ngủ hơn, ngủ ngon và khi thức dậy cũng tỉnh táo hơn.

Tạo môi trường dễ ngủ

Môi trường ngủ đóng vai trò quan trọng cho giấc ngủ. Để có môi trường thích hợp cho giấc ngủ, phòng ngủ cần là nơi mát mẻ với nhiệt mát mẻ khoảng 25 độ C. Nếu phòng ngủ là nơi dễ bị ánh sáng nhân tạo rọi vào, chẳng hạn như đèn đường, thì cần sử dụng rèm cửa để chặn ánh sáng này.

Mọi người cũng cần tránh dùng các thiết bị điện tử gần giờ đi ngủ. Ngoài ra, nệm, gối cần cho cảm giác thoải mái khi nằm và không gian ngủ cần yên tĩnh.

Áp dụng kỹ thuật thư giãn

Đôi khi, suy nghĩ nhiều và cảm giác lo lắng, căng thẳng là nguyên nhân gây khó ngủ. Khi đó, các biện pháp thư giãn như ngồi thiền, tập hít thở sâu sẽ giúp giảm căng thẳng và dễ chìm vào giấc ngủ hơn. 

Ngoài ra, một điều cần nhớ là các kỹ thuật này không phải cứ áp dụng là có hiệu quả ngay. Do đó, chúng ta cần duy trì đều đặn và kiên nhẫn.

Gặp bác sĩ

Mất ngủ, khó ngủ kéo dài sẽ tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nếu tình trạng này kéo dài và đã thử mọi cách mà không cải thiện thì cần đến bác sĩ kiểm tra. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như dùng thuốc ngủ, bổ sung melatonin và một số loại thuốc khác, theo Verywell Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.