Thúc đẩy sự hòa nhập của công nhân khuyết tật ngành may tại doanh nghiệp

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
06/04/2022 20:27 GMT+7

Trung tâm Khuyết tật và phát triển ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực phục hồi kinh tế và sự hòa nhập của công nhân khuyết tật ngành may trong bối cảnh Covid-19 .

Ngày 6.4, Trung tâm Khuyết tật và phát triển (Trung tâm DRD) đã ký kết hợp tác với Công ty Fashion Garments (chuyên lĩnh vực may mặc, Khu công nghiệp Biên Hoà 2, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) nhằm thông qua đó, tăng cường năng lực phục hồi kinh tế cũng như sự thích ứng môi trường làm việc cho công nhân khuyết tật ngành dệt may thời dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 30.3, Trung tâm DRD cũng đã tổ chức ký kết hợp tác nội dung tương tự, với Công ty TNHH Saitex International Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm DRD, cho biết buổi ký kết thuộc khuôn khổ Dự án tăng cường năng lực phục hồi kinh tế của công nhân khuyết tật ngành may trong bối cảnh dịch Covid-19 do đơn vị thực hiện và Tổ chức CARE tài trợ.

Đồng thời, dự án cũng hướng đến nâng cao năng lực thực hiện chiến lược bình đẳng giới và hòa nhập người khuyết tật (GEDSI) cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cử cho biết, việc thực hành chính sách GEDSI là xu hướng ngày càng phổ biến. Bởi không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu, uy tín doanh nghiệp đối với xã hội; tăng sự gắn kết, hài lòng của nhân viên đối với doanh nghiệp mà còn tối ưu hiệu quả làm việc của công nhân là người khuyết tật.

Các hoạt động chính của chương trình hợp tác này gồm: tổ chức tập huấn cho công nhân khuyết tật may, khảo sát để phát triển bộ tài liệu hướng dẫn thực hành và tối ưu hóa chính sách GEDSI tại doanh nghiệp.

Buổi ký kết hợp tác với Công ty Fashion Garments ngày 6.4, qua đó hướng tới nâng cao năng lực phục hồi kinh tế và sự hòa nhập cho công nhân khuyết tật ngành may

ctv

Bà Lê Quang Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển tổ chức cao cấp Công ty Fashion Garments, cho biết tại công ty hơn 15 năm qua, có nhiều vị trí người lao động là người khuyết tật và chính sách tuyển dụng người khuyết tật đảm bảo đủ điều kiện, năng lực làm việc vẫn được ưu tiên.

Theo bà Lê Quang Thu Ngọc, thực tế đôi khi trong công việc, người khuyết tật bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin truyền thông nội bộ.

Qua ký kết hợp tác với dự án, đại diện các doanh nghiệp đều kỳ vọng công nhân là người khuyết tật sẽ được nâng cao năng lực, kỹ năng. Họ có thể hòa nhập với môi trường làm việc một cách thuận lợi, bình đẳng; đồng thời, có thể thấy được giá trị đóng góp của họ là điều không thể thiếu với công ty.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhân sự, người quản lý trực tiếp công nhân là người khuyết tật sẽ được trang bị kiến thức để giao tiếp, thấu cảm, hướng dẫn đúng và đạt hiệu quả cao, đảm bảo quan hệ lao động hài hòa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.