Thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp tư: Nên hay không?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/06/2022 05:59 GMT+7

Việc mở rộng quy định về thực hiện dân chủ đối với doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã nhận được nhiều tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chồng chéo, trùng lặp, gây xáo trộn ?

Ngày 14.6, thảo luận về luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu (ĐB) Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi luật đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động.

Theo ĐB tỉnh Ninh Thuận, luật chỉ nên áp dụng với doanh nghiệp nhà nước vì việc mở rộng ra doanh nghiệp khác là quá rộng và khó thực hiện được trong thực tế. Bản chất trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp được xác lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận phù hợp với pháp luật lao động. Nếu như có phát sinh các mâu thuẫn, xung đột thì sẽ giải quyết theo bộ luật Dân sự, luật Doanh nghiệp, luật Công đoàn và các quy định chi tiết liên quan… “Quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như trong dự thảo luật là chồng chéo, trùng lặp, có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài nhà nước trong quá trình thực hiện, vừa không đúng bản chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở”, ĐB Ninh Thuận nêu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu

Gia Hân

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng phạm vi áp dụng của luật đang “mở ra quá rộng”, liên quan đến những quan hệ đang được điều chỉnh và vận hành ổn định bằng các luật khác và có nguy cơ làm xáo trộn các quan hệ này. Ông Nghĩa dẫn chứng quan hệ giữa người dân với nhau đã có Hiến pháp, bộ luật Dân sự điều chỉnh rất đầy đủ; khi người dân là người lao động thì có bộ luật Lao động, luật Công đoàn; khi người dân mua cổ phần trở thành cổ đông thì điều chỉnh bằng luật Doanh nghiệp… “Trong các luật hiện hành đã xử lý các quan hệ dân chủ ở trong đó rồi, ví dụ như giữa giám đốc và công nhân, giữa ban chủ nhiệm hợp tác xã và xã viên, giữa hội đồng quản trị và các cổ đông… Nếu cần chúng ta điều chỉnh thêm các luật đó chứ nếu mở rộng quá thì chúng tôi e là không phù hợp”, ông Nghĩa nói, và đề nghị dự thảo luật chỉ nên tập trung vào quan hệ giữa chính quyền và người dân.

Có quan điểm ngược lại, ĐB Tống Văn Băng (Hải Phòng) cho rằng việc mở rộng luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp tư nhân không ảnh hưởng đến quan hệ lao động mà ngược lại thúc đẩy quyền lao động, quyền con người trong doanh nghiệp. Thực tế cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp như việc đối thoại công khai với người lao động lại đang được thực hiện nghiêm túc hơn ở các khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chứ không phải ở các khối khác. ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng đề nghị cân nhắc hướng tiếp thu giải trình của ban soạn thảo là chỉ áp dụng các quy định của luật với doanh nghiệp nhà nước vì sẽ tạo ra sự phân biệt dân chủ giữa 2 khối lao động.

Thanh tra nhân dân “cực kỳ hình thức”

Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm là việc quy định về Thanh tra nhân dân trong dự thảo luật. ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ đồng tình việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân từ luật Thanh tra sang luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng hiện hoạt động của Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động cơ bản hiệu quả. Còn hoạt động của Thanh tra nhân dân ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do công đoàn cơ sở chỉ đạo hoạt động thì còn khó khăn, hiệu quả thấp. Từ đó, ông Bình đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm cơ chế để đảm bảo cho Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn sau khi luật được thông qua.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng hoạt động của Thanh tra nhân dân lâu nay rất hạn chế do không đủ điều kiện, thời gian, trình độ chuyên môn; việc thực hiện các kiến nghị của Thanh tra nhân dân cũng “còn bỏ ngỏ”. “Có trường hợp ngại làm phiền lòng chính quyền nên cũng không mạnh dạn tham gia góp ý”, ông Hòa nêu và kiến nghị để Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, đúng tính chất, cần quy định rạch ròi, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn đồng thời tập huấn chuyên môn, kỹ năng cho Thanh tra nhân dân.

Quốc hội thông qua luật, thêm nhiều quyền cho cảnh sát cơ động

Sáng 14.6, QH đã thông qua luật Cảnh sát cơ động với 454/474 ĐB tán thành, 18 ĐB không tán thành. Theo dự thảo luật được thông qua, cảnh sát cơ động được quyền mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin; được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại VN để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.

Bên cạnh đó, cảnh sát cơ động cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin.

Trong khi đó, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị QH cân nhắc kỹ quy định này. "Nếu tôi đề nghị không quy định Thanh tra nhân dân nữa thì chắc nhiều ý kiến không tán thành. Tuy nhiên, tôi thấy rằng chế định Thanh tra nhân dân là chế định cực kỳ hình thức và lâu nay dường như chúng ta bỏ quên chế định này trong luật Thanh tra", ông An nói.

Theo ông An, ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã có HĐND cũng là cơ quan đứng ra giám sát của người dân. Giờ có thêm Thanh tra nhân dân, rồi còn có Ban giám sát đầu tư xây dựng cơ bản (cũng quy định trong dự thảo luật - PV) nữa. Đặc biệt là hoạt động của Thanh tra nhân dân trong dự thảo luật lại gắn với 2 cơ cấu rất quan trọng đó là Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn. "Có cần thiết phải xây dựng nhiều mô hình cơ quan thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra không? Đó là chúng ta chưa phân biệt được giám sát và kiểm tra ở cơ sở", ông An nêu và cho rằng nếu vẫn quy định về thanh tra nhân dân thì quy định như dự thảo chưa đầy đủ và khi hoạt động sẽ rất hình thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.