Thực hư việc vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày

Thiên Lan
Thiên Lan
21/10/2024 09:14 GMT+7

Nói đến nguyên nhân gây ung thư, mọi người thường nghĩ đến các yếu tố như di truyền và lối sống. Nhưng một số tác nhân gây bệnh cũng có thể dẫn đến ung thư.

Và điều không thể ngờ là tác nhân gây ra số ca ung thư toàn cầu cao nhất lại là vi khuẩn Helicobacter pylori, thường được gọi là HP.

Báo cáo từ Hiệp hội Nghiên cứu ung thư Mỹ cho biết vi khuẩn HP là tác nhân gây ra số ca ung thư toàn cầu cao nhất, theo trang tin sức khỏe Health.

Thực hư việc vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày- Ảnh 1.

Vi khuẩn HP là tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa lây nhiễm cho khoảng một nửa dân số thế giới

Ảnh: Pexels

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, vi khuẩn HP là tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa lây nhiễm cho khoảng một nửa dân số thế giới. Nhiễm HP là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với ung thư dạ dày - vốn là nguyên nhân gây tử vong do ung thư cao thứ hai trên toàn cầu.

HP gây ung thư như thế nào?

Đó là một loại vi khuẩn mà nhiều người mắc phải trong dạ dày. Chúng có thể gây loét dạ dày hoặc ruột non và cũng có thể dẫn đến viêm dạ dày, tức viêm niêm mạc dạ dày.

Theo thời gian, tình trạng này có thể phát triển thành bệnh nghiêm trọng hơn, tiến sĩ Linda Cummings, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đại học Cleveland, cũng là Giáo sư y khoa tại Trường Y, Đại học Case Western Reserve (Mỹ), cho biết. Ở người nhiễm HP, tình trạng viêm này dẫn đến những thay đổi tiền ung thư ở niêm mạc dạ dày, cuối cùng có thể tiến triển thành ung thư, tiến sĩ Cummings chia sẻ, theo Health.

HP có thể làm tăng nguy cơ mắc hai loại ung thư: U lympho MALT là một dạng ung thư hạch bạch huyết liên quan đến mô bạch huyết liên kết với niêm mạc. Đây là dạng u lympho không Hodgkin ảnh hưởng đến dạ dày. Và một loại ung thư dạ dày gọi là ung thư biểu mô tuyến, có nguồn gốc từ niêm mạc dạ dày. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, 90 - 95% tất cả các loại ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến.

Tiến sĩ Cummings lưu ý rằng HP là yếu tố nguy cơ mạnh nhất đối với ung thư dạ dày. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, những người bị nhiễm HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày và u lympho MALT cao gấp 2 đến 6 lần so với những người không nhiễm HP.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là đối với hầu hết mọi người, nhiễm HP không nhất thiết dẫn đến ung thư. Trong số tất cả những người bị nhiễm HP, chỉ khoảng 1 - 3% sẽ phát triển thành ung thư, tiến sĩ Cummings cho biết.

Tại sao nhiễm HP?

Thực hư việc vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày- Ảnh 2.

Và điều không thể ngờ là tác nhân gây ra số ca ung thư toàn cầu cao nhất lại là vi khuẩn HP

Ảnh: Pexels

Mặc dù chưa hiểu rõ hoàn toàn về cách lây truyền HP, tiến sĩ Cummings cho biết vi khuẩn này có thể lây lan qua dịch cơ thể. Cô cho biết: Vì HP có thể được tìm thấy trong phân, dịch vị dạ dày, nước bọt và mảng bám răng, nên nó có khả năng lây lan qua dịch tiết miệng trong lúc ăn uống. Đặc biệt rất dễ lây giữa những người trong gia đình.

Đông Á là một trong những khu vực có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất, và cùng với Trung Á, là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Đối với khu vực này, tiến sĩ Cummings khuyên nên tầm soát ung thư dạ dày toàn diện bằng nội soi hoặc chụp X-quang bắt đầu từ độ tuổi khoảng 40 - 50.

Triệu chứng

Tiến sĩ Cummings giải thích một số người nhiễm HP không có bất kỳ triệu chứng nào, trong khi những người khác có thể khó chịu ở bụng sau khi ăn. Nôn mửa, sụt cân, khó nuốt và ợ nóng nghiêm trọng cũng là dấu hiệu của nhiễm HP.

Phân có màu đen, có mùi hôi và tăng tần suất có thể là do loét chảy máu do HP gây ra, tiến sĩ Cummings nói thêm.

Vì nhiễm HP có thể không có triệu chứng, nên xét nghiệm là cách duy nhất để xác định sự hiện diện của vi khuẩn.

Tiến sĩ Cummings đề xuất người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HP hoặc thường xuyên bị viêm loét dạ dày nên làm xét nghiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.