Thực sự dân chủ sẽ không có những sai phạm như Thủ Thiêm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/01/2020 07:00 GMT+7

'Nếu cán bộ, đảng viên dám đấu tranh với cái sai thì làm sao có những sai phạm hàng loạt của cả ban thường vụ thành ủy như ở Đà Nẵng, hay vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM được?', PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ sai phạm tập thể như vừa qua là do các tổ chức Đảng đã không phát huy được dân chủ trong nội bộ, dẫn tới lạm dụng quyền lực, cấu kết, “lợi ích nhóm” của những người có chức vụ, quyền hạn.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc

Ảnh: Gia Hân

Phân tích những vụ tham nhũng, tiêu cực khiến hàng loạt các ban thường vụ cấp ủy tại nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, rồi mới đây nhất là TP.HCM bị kỷ luật, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định đây là những sai phạm mang màu sắc “lợi ích nhóm” rất rõ ràng. Song, theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, những vụ “sai phạm tập thể” nói trên cũng cho thấy việc thực hành dân chủ trong nội bộ các tổ chức Đảng “còn kém”, “thậm chí là hình thức”, dẫn đến việc cán bộ, đảng viên “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”.
“Chính vì thiếu dân chủ, thiếu sự đấu tranh đã làm tê liệt các tổ chức Đảng. Nếu cán bộ, đảng viên dám đấu tranh với cái sai thì làm sao có những sai phạm hàng loạt của cả ban thường vụ thành ủy như ở Đà Nẵng, hay vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM được? Nếu dám đấu tranh với cái sai thì cũng không có chuyện nhiệm kỳ sau mới giải quyết, xử lý những sai phạm từ nhiều nhiệm kỳ trước như hiện nay”, ông Phúc nhấn mạnh, đồng thời cho rằng lâu nay chúng ta vẫn nói tăng cường sức chiến đấu của đảng viên, song sức chiến đấu phải được khẳng định từ chính nội bộ các tổ chức Đảng chứ không chỉ sức chiến đấu với thế lực thù địch, chống phá.

Người dân bức xúc: "Vì sao chưa giúp cho người dân Thủ Thiêm đến gần với Quốc hội"? - Video tư liệu

Buông lỏng kiểm soát quyền lực trong thời gian dài

* Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã có tới 8 tổ chức Đảng bị Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật vì nhiều sai phạm khác nhau. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sai phạm ở hàng loạt các tổ chức Đảng như vừa qua?
- Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng đã khẳng định “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của nhà nước. Đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”, song chúng ta lại chưa có cơ chế để “ngăn ngừa vi phạm”. Điều đó có nghĩa là trong một thời gian dài chúng ta đã buông lỏng việc kiểm soát quyền lực.

Sai phạm kéo dài khiến tiến độ xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm ì ạch suốt nhiều năm qua. Trong khi đó, người dân liên tục bức xúc qua các buổi tiếp xúc cử tri (ảnh dưới)

Ảnh: Độc Lập - Ngọc Dương

Chính việc kiểm soát quyền lực trong nội bộ các tổ chức Đảng không tốt đã sinh ra tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực, thậm chí chuyên quyền, độc đoán của một số người đứng đầu. Khi có quyền lực, tự nhiên sẽ đẻ ra phe cánh, “nhóm lợi ích”, “sân sau” để củng cố quyền lực. Chính việc thiếu kiểm soát quyền lực đã triệt tiêu sự đấu tranh, phê bình và tự phê bình trong các tổ chức Đảng dẫn tới mất dân chủ. Chẳng hạn như vừa rồi xử 2 nguyên chủ tịch TP.Đà Nẵng với rất nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật nhưng khi ông này còn đương chức thì thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra hay thanh tra của TP.Đà Nẵng có dám lên tiếng đâu? Tôi cho đây chính là cái gốc của những sai phạm, tiêu cực trong thời gian qua.
* Nếu như mọi chuyện bắt đầu từ việc thiếu kiểm soát quyền lực thì chúng ta giải thích thế nào khi không chỉ có những cá nhân mà hàng loạt các ban thường vụ cấp ủy sai phạm và bị kỷ luật?
- Nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo của Đảng là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đây là nguyên tắc đúng đắn để phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời rõ trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, nguyên tắc này đã không được thực hiện một cách thực chất, thậm chí là hình thức, không phân rõ trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân. Điều này dẫn đến việc một số cá nhân khi có quyền lực đã áp đặt ý chí cá nhân lên tập thể hoặc hình thành các phe nhóm lợi ích tạo thành các “tập thể” không có tiếng nói ngược lại với mình. Khi người đứng đầu nói thế nào, cấp ủy nghe răm rắp thì ở đó sẽ không thể kiểm soát được quyền lực, không còn dân chủ được nữa.
Cũng không ít trường hợp nhiều cá nhân lợi dụng danh nghĩa tập thể để tư lợi cá nhân rồi đến khi xảy ra chuyện thì đổ lỗi cho tập thể, nói rằng cái này tôi làm theo chủ trương của thường vụ cấp ủy… Vì vậy, khi xử lý sai phạm thì phải phân định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân. Tổ chức Đảng sẽ bị xử lý khi biết sai phạm mà không ngăn chặn, đồng thuận với cái sai. Chẳng hạn như vụ việc ở Thủ Thiêm mới đây thì có phải một hai cá nhân đâu mà là cả Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Thành ủy TP.HCM sắp họp kiểm điểm các nguyên lãnh đạo - Video tư liệu

Còn “xin - cho” thì còn tham nhũng, lợi ích nhóm

* Vậy chúng ta nên hóa giải cái “bẫy” sai phạm tập thể này như thế nào, thưa ông?
- Tôi cho thực hành rộng rãi dân chủ trong nội bộ Đảng như một cơ chế kiểm soát quyền lực chính là cái gốc của vấn đề. Khi chúng ta phát huy mạnh mẽ dân chủ trong nội bộ cấp ủy, chính quyền tất cả các cấp thì mọi khuất tất, tiêu cực đều có thể phơi bày không đến mức sai phạm hàng chục năm mới được đem ra xử lý như hiện nay. Chỉ có phát huy dân chủ thì cán bộ, đảng viên mới có thể “bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai”.
Tuy nhiên, để phát huy dân chủ thực sự trong nội bộ Đảng thì quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh, trình độ và nhất là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu anh có trách nhiệm với Đảng, đất nước, với dân thì anh sẵn sàng ủng hộ cái tốt, vạch ra cái xấu thì sẽ đỡ đi rất nhiều, chứ bây giờ cứ “mũ ni che tai”, rồi “gió chiều nào che chiều ấy” dẫn tới quyền lực không được kiểm soát, dẫn tới tiêu cực, sai phạm...

Cách tốt nhất là kết hợp chặt chẽ giữa kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thượng tôn kỷ luật, pháp luật, theo đó mà làm không để chi phối bởi những ý kiến chỉ đạo chủ quan. Nếu thực hiện được điều này thì sẽ bớt đi rất nhiều những xin - cho, quan hệ ngoài luồng, “bôi trơn”, sân sau, “lợi ích nhóm”.

* Nhưng sẽ rất khó khăn nếu như chúng ta chỉ trông chờ vào bản lĩnh, trách nhiệm của các đảng viên mà không tạo cơ chế nào để bảo vệ họ đấu tranh với cái xấu, tiêu cực?
- Ở những quốc gia mà quyền lực được giám sát một cách chặt chẽ, những cán bộ, quan chức trong bộ máy nhà nước thực hiện chức trách đã được pháp luật quy định chứ ít khi bị chi phối bởi mệnh lệnh, ý chí chủ quan của lãnh đạo. Ở ta, hệ thống pháp luật đã khá rõ dù chưa hoàn chỉnh, song việc tuân thủ pháp luật lại chưa thực sự rõ ràng. Trong suốt một thời gian dài chúng ta hình thành phong cách làm việc thủ trưởng - cấp dưới, nặng cơ chế “xin - cho” hơn là thượng tôn pháp luật. Và một khi còn cơ chế “xin - cho” thì đương nhiên tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” sẽ nảy sinh.
Vì vậy, cách tốt nhất là kết hợp chặt chẽ giữa kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thượng tôn kỷ luật, pháp luật, theo đó mà làm không để chi phối bởi những ý kiến chỉ đạo chủ quan. Nếu thực hiện được điều này thì sẽ bớt đi rất nhiều những xin - cho, quan hệ ngoài luồng, “bôi trơn”, sân sau, “lợi ích nhóm”.

Vấn đề Thủ Thiêm luôn “nóng” trong những ngày đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri ở quận 2 - Video tư liệu

Thiếu tiếng nói  phản biện

những sai phạm như Thủ Thiêm

Ông Phạm Quang Minh

Ảnh: Ngọc Thắng

 Một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm tập thể ở nhiều địa phương thời gian qua là do chúng ta đang thiếu những tiếng nói phản biện trong nội bộ các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Rất nhiều bị cáo ra tòa vẫn khẳng định mình chỉ thực hiện theo chỉ đạo, mệnh lệnh của cấp trên. Việc thiếu tiếng nói phản biện thực sự dân chủ đã khiến chúng ta rơi vào tình trạng tập thể không dám nói khác với ý chí của những người lãnh đạo. Điều này tạo ra khoảng trống rất lớn trong kiểm soát quyền lực của chúng ta. Vì nó tạo cho nhiều người “đặc quyền”, hình thành những đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận nhỏ những người có quyền.
Ở những quốc gia có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt sẽ không có tình trạng này. Khi quyền lực được kiểm soát, những người thực thi công vụ sẽ thực hiện theo đúng chức trách được pháp luật quy định chứ không phải theo ý chỉ của người lãnh đạo và họ được pháp luật bảo vệ. Ở VN, tinh thần thượng tôn pháp luật vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Tôi cho rằng  khi cấp dưới vẫn không dám nói trái ý cấp trên thì chúng ta vẫn chưa thể giải quyết được câu chuyện “sai phạm tập thể”.
GS Phạm Quang Minh
(Hiệu trưởng Trường đại học KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Nâng cao chất lượng phê bình, tự phê bình

những sai phạm như Thủ Thiêm

Ông Vũ Quốc Hùng

ảnh: Gia Hân

Để làm trong sạch Đảng thì cách tốt nhất là thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, trong đó quan trọng nhất là nâng cao chất lượng phê bình, tự phê bình trong nội bộ Đảng.
Tuy nhiên, lâu nay khâu phê bình, tự phê bình của chúng ta vẫn còn hình thức. Phải làm thế nào để tất cả mọi đảng viên dám nói, dám phát hiện và những phát biểu này phải được tổ chức Đảng, cơ quan lắng nghe. Hiện nay, không ít đảng viên không muốn nói gì cả. Thấy sai không dám nói, không dám động đến vì lợi ích nọ, lợi ích kia. Phát huy dân chủ để nâng cao chất lượng công tác tự phê bình, phê bình trong Đảng chính là cách tốt nhất để tránh được những sai phạm tập thể.
Ông Vũ Quốc Hùng
(nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.