'Ông lớn' cũng kiệt sức vì thuế nặng, lãi cao

25/07/2019 07:15 GMT+7

EVFTA , CPTPP... đang mở toang cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới , song lãi vay cao, thuế nặng khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng nề.

Không ít tên tuổi lớn lừng lẫy một thời bán cả thương hiệu, cắt giảm chi nhánh, thu hẹp quy mô hoạt động.

Lãi vay cao, đua nhau báo lỗ

Lãi suất cho vay hiện nay đang chiếm tỷ lệ cao trong chi phí DN, chỉ cần giảm lãi suất cho vay về mức 5%/năm sẽ giúp DN giảm được 50% chi phí lãi vay, nhưng điều quan trọng hơn khi lãi suất thấp sẽ kích thích thị trường chứng khoán phát triển, các DN có thể huy động vốn rẻ trên thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI)

CTCP Hùng Vương của Chủ tịch Dương Ngọc Minh, từng được mệnh danh là "vua cá", vừa phải công bố bán toàn bộ vốn tại Công ty TNHH chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre và bán một phần vốn tại CTCP xuất nhập khẩu thủy sản An Giang giảm sở hữu từ 79,6% xuống dưới 50%. Nguyên nhân, ngoài khó khăn do thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ, nửa đầu niên độ kế toán 2019, Hùng Vương ghi nhận lỗ 112 tỉ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét do chi phí “ăn mòn” hết lợi nhuận. Dù giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, chi phí lãi vay của Hùng Vương tiếp tục ở mức cao với hơn 129 tỉ đồng, tương đương 41% lợi nhuận gộp, chỉ xếp sau chi phí doanh nghiệp (DN). Trước đó, năm 2018, chi phí lãi vay của Hùng Vương xấp xỉ lợi nhuận gộp, công ty chỉ có lãi hơn 1,5 tỉ đồng nhờ doanh thu từ thanh lý các công ty con.
Nhưng khó khăn liên tiếp ập đến, khiến ông Dương Ngọc Minh đã từng có thời điểm chia sẻ với nhà đầu tư muốn rút khỏi Hùng Vương.

Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Đông Dương, H.Ứng Hòa, Hà Nội

Ảnh: Phạm Hùng

Một trường hợp khác là CTCP Hoàng Anh Gia Lai của Chủ tịch, “ông bầu” bóng đá Đoàn Nguyên Đức. Doanh nhân này dù đã liên tiếp tái cơ cấu, gia hạn nợ, đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu trái cây tập đoàn đã bắt đầu có doanh số hàng nghìn tỉ đồng… Dẫu vậy, với gánh nặng nợ, lãi vay cao nên lợi nhuận làm ra bao nhiêu gần như chỉ để trả lãi. Dù đã được CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) rót 1 tỉ USD vào để cơ cấu nợ, nhưng với chi phí lãi vay quá lớn, công ty còn đang chật vật trên con đường tìm lại ánh hào quang một thời.
Ở lĩnh vực xuất khẩu gỗ, CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) là một “ông lớn” có máu mặt, đặc biệt xuất khẩu. Năm 2019, TTF dự kiến doanh thu thuần đạt 1.234 tỉ đồng, cao hơn so với thực hiện năm 2018, nhưng lợi nhuận sẽ vẫn âm. Nguyên nhân, TTF có tổng nguốn vốn hoạt động 2.645 tỉ đồng, riêng vốn vay lên tới hàng trăm tỉ đồng. Điển hình như vay Agribank lãi suất 10,5%/năm, vay Ngân hàng Phát triển (VDB) lãi 11%/năm. Theo TTF, giá vốn bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, đặc biệt chi phí lãi vay và các khoản chi phí khác vẫn là gánh nặng đối với công ty trong năm nay. TTF đặt kế hoạch lỗ từ hoạt động kinh doanh hơn 589 tỉ đồng.
CTCP đầu tư và thương mại TNG, một trong những DN dệt may tư nhân hàng đầu của VN, cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Báo cáo tài chính 5 tháng 2019, tổng nguồn vốn TNG là hơn 3.000 tỉ đồng, trong đó vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.300 tỉ đồng và dài hạn hơn khoảng 250 tỉ đồng, chiếm tới gần nửa nguồn vốn hoạt động. Vay quá lớn khiến khả năng tăng trưởng, cạnh tranh của TNG đang ngày càng suy giảm.
Với những “đại gia” khác, kể cả khu vực nhà nước, vay nhiều lãi suất cao làm đội giá thành, khiến người dân phải gánh chịu mức giá dịch vụ rất đắt đỏ. Đơn cử, năm 2018, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tập đoàn điện lực EVN đạt hơn 338.500 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017, giúp lợi nhuận gộp về bán hàng đạt hơn 53.158 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chi phí tài chính tăng vọt khoảng 30% so với năm 2017 lên 29.000 tỉ đồng (chiếm hơn một nửa lợi nhuận gộp về bán hàng) đã gặm mòn hết lợi nhuận. Trong đó, riêng tiền lãi vay đã trả gần 18.900 tỉ đồng.

Sớm giảm lãi suất

Hạ lãi suất là mong mỏi của DN, phía cơ quan quản lý vẫn còn tỏ ra thận trọng vì e ngại lạm phát. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, một số ngân hàng T.Ư đã cắt giảm lãi suất, trong xu hướng nới lỏng tiền tệ đang mở rộng trên thế giới. Ngân hàng T.Ư Úc 2 lần giảm lãi suất từ tháng 6 đến nay. Ngân hàng T.Ư Ấn Độ giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Và tính từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới lần lượt giảm lãi suất như Iceland, Úc, New Zealand, Nga, Chile… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tại Việt Nam, báo cáo ngày 22.7 của NHNN cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Theo dự báo lạm phát tháng 7 tiếp tục được kiểm soát ở mức khá thấp. Còn 6 tháng, lạm phát bình quân chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,87%. Như vậy có thể thấy, nếu kiểm soát tốt, NHNN cũng cần tính đến động thái nới lỏng một phần chính sách tiền tệ, giảm lãi suất hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, trong bối cảnh cộng đồng DN khó khăn, nền kinh tế đang chững lại.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), đánh giá nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, DN đều mong muốn lãi suất giảm nhưng không giảm được hoặc có giảm cũng không bao nhiêu. Lãi suất cho vay hiện nay đang chiếm tỷ lệ cao trong chi phí DN, chỉ cần giảm lãi suất cho vay về mức 5%/năm sẽ giúp DN giảm được 50% chi phí lãi vay, nhưng điều quan trọng hơn khi lãi suất thấp sẽ kích thích thị trường chứng khoán phát triển, các DN có thể huy động vốn rẻ trên thị trường.
“Để giảm lãi suất cho vay xuống một nửa so với hiện nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín vào các ngân hàng cần được tăng lên, đặc biệt ở những ngân hàng yếu kém, từ dó phá được rào cản cạnh tranh huy động lãi suất cao”, ông Hải đề xuất.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định thêm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ bắt đầu hạ lãi suất lần đầu tiên sau nhiều năm vào cuối tháng này. “Khả năng FED sẽ hạ lãi suất 1 - 2 lần trong năm nay với khoảng 0,25 điểm phần trăm cho mỗi lần. Do đó, NHNN cũng cần phải đưa ra được kịch bản để ứng phó vì ngoài mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì một vai trò quan trọng khác phải hỗ trợ tăng trưởng”, ông Thành dự báo và cho rằng, có thể sử dụng một số công cụ để điều tiết, hỗ trợ DN tất nhiên luôn thận trọng vì hiện nay thâm hụt thương mại của Trung Quốc, cũng như VN nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.