Tỷ trọng thuế trong giá xăng chỉ 21%?
Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng tỷ trọng thuế trong giá bán xăng, dầu tại nhiều nước chiếm khoảng 45 - 60%, trong khi ở VN là 20 - 21% với xăng và 10 - 11% với dầu. "Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng nhiên liệu tại VN đang thấp hơn so với mặt bằng chung", Bộ Tài chính khẳng định.
Trong lý giải, Bộ này cũng nêu ra 4 loại thuế đang áp dụng lên giá xăng dầu, gồm: thuế nhập khẩu (với hàng hóa nhập khẩu); thuế giá trị gia tăng (GTGT); thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB, với xăng) và thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, mức thuế giữa ASEAN - Hàn Quốc và VN - Hàn Quốc là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu, thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) tại các thị trường khác là 10%; thuế GTGT xăng dầu 10%; thuế TTĐB với xăng 10%, xăng sinh học E5 là 8% và không thu sắc thuế này với mặt hàng dầu.
Ngoài ra, mức thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol) 2.000 đồng/lít và dầu 1.000 đồng/lít, dự kiến đến hết năm nay sẽ tăng lên mức trần trong biểu khung thuế này, lần lượt 4.000 đồng/lít xăng (trừ ethanol), 2.000 đồng/lít dầu (trừ dầu hỏa chỉ 1.000 đồng/lít) và 3.000 đồng/lít nhiên liệu bay. Từ đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, theo dõi diễn biến giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng nhiên liệu tại VN đang thấp hơn so với mặt bằng chung.
Tuy vậy, với những số liệu trên, rõ ràng tỷ trọng thuế trong giá xăng của VN được Bộ Tài chính đưa ra chưa chính xác hoàn toàn. Bởi trong thực tế, xăng dầu được nhập khẩu từ nhiều thị trường, không riêng thị trường Hàn Quốc, nơi thuế nhập dầu về 0% và xăng vẫn 8%. Bên cạnh đó, thuế BVMT đối với xăng dường như cũng chưa được tính bao gồm trong tỷ trọng này. Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 7 tháng của năm nay, VN nhập khẩu gần 6,3 triệu tấn xăng dầu với trị giá gần 5 tỉ USD, tăng 61% so cùng kỳ năm ngoái. 3 thị trường lớn nhất VN đang nhập khẩu xăng dầu gồm Hàn Quốc (2,5 triệu m3), Singapore (1,5 triệu m3) và Malaysia (khoảng 1 triệu m3).
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho biết trước đây khi chưa có chính sách hỗ trợ giảm thuế BVMT đối với xăng và lộ trình giảm thuế của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) chưa có hiệu lực, tỷ trọng các mức thuế phổ biến đối với xăng dầu trong khoảng 30 - 35%. Nay thuế nhập khẩu dầu đã về 0%, từ đầu quý 3/2023, nhập khẩu xăng từ các nước khu vực Đông Nam Á cũng về 5% (nếu không có chứng nhận xuất xứ từ ASEAN thì doanh nghiệp (DN) vẫn phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 10%). Nên mức thuế nhập khẩu bình quân khoảng hơn 5,6%. Tuy vậy, cộng thêm 10% thuế GTGT, 10% thuế TTĐB và chưa tính thuế BVMT thì tỷ trọng thuế đối với xăng đã hơn 25%. Ngoài thuế, các loại phí cũng chưa bao gồm trong này, nên khó nói là thấp hơn và thấp hơn bao nhiêu % một cách chính xác được.
Chủ một DN kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM ước tính, mỗi lít xăng RON95 hiện bán lẻ giá khoảng 24.000 đồng/lít, nhưng giá nhập khẩu từ 15.000 - 16.000 đồng/lít, như vậy mức thuế, phí mà người tiêu dùng đang "gánh" cho mỗi lít xăng chiếm tỷ trọng thấp nhất là 32 - 40%, không thể thấp hơn 30%. Vị này nói: "Chỉ riêng về thuế, tỷ trọng Bộ Tài chính đưa ra chưa đủ, chưa tính các loại phí. Trong khi phản ánh của cử tri bao gồm thuế, phí đánh vào mặt hàng xăng dầu cao. Đặc biệt, Bộ Tài chính lại đang đề xuất thu phí khí thải đối với lọc hóa dầu nữa, rõ ràng các loại thuế, phí với xăng dầu đang là gánh nặng cho người tiêu dùng và DN".
So sánh tỷ trọng thuế thôi là khập khiễng
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM), băn khoăn không rõ so sánh tỷ trọng thuế xăng dầu "tại các nước" là nước nào? Bởi ai cũng biết không thể so sánh giá xăng dầu của VN với các nước Mỹ, Nhật, Anh… được. Lý do là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước này so với VN là một trời một vực. Cần phải so sánh cùng hệ quy chiếu là thu nhập bình quân đầu người. Chi phí xăng dầu của một người Việt chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập bình quân đầu người, so với người Mỹ, Nhật, Singapore… mới quan trọng. Đa số các nước phát triển đang có tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu cao 40 - 50%.
"Không ai so giá xăng dầu, sắc thuế và mức thuế đánh vào một mặt hàng mà không dựa vào thu nhập của người dân tại mỗi quốc gia cả. Và các dữ liệu cho thấy, thu nhập của người Việt mình còn khá khiêm tốn so với mức chi mua xăng dầu. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, xăng dầu vẫn là mặt hàng thiết yếu, thu nhập người dân đang giảm, sản xuất kinh doanh cũng chững lại do ảnh hưởng trên toàn cầu, việc cân nhắc tính toán giảm thuế, phí cho nhóm hàng nhiên liệu là cần thiết", TS Nguyễn Minh Thảo nêu quan điểm.
Theo trang Global Petrol Prices, giá xăng trung bình trên thế giới là 1,33 USD/lít (tương đương 31.000 đồng/lít). Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về mức giá này giữa các quốc gia. Nguyên tắc chung là các nước giàu hơn thì có giá bán xăng cao hơn, trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Một ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ, quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng lại có giá xăng thấp. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp khác nhau đối với xăng dầu.
Đó là chưa nói, lâu nay, nhiều chuyên gia và DN phản ánh cách tính thuế đối mặt hàng xăng dầu theo kiểu thuế chồng thuế, khi áp trực tiếp đồng thời 2 khoản thuế TTĐB và BVMT trên cùng mặt hàng xăng. Trong một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược VN (VESS) cũng chỉ ra gánh nặng thuế đối với người tiêu dùng xăng dầu ngày càng gia tăng. Cách tính giá cơ sở hiện nay có nhiều điểm yếu khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thế giới.
Ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ thêm: "Trong chính sách về thuế xăng dầu, khó để so sánh với các nước một cách công bằng, đặc biệt là tại các nước phát triển. Thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu tại các nước phát triển luôn cao hơn VN. Tuy vậy, chính sách về thuế đối với mặt hàng nhiên liệu lại có tương quan về chính sách phát triển giao thông. Ví dụ, các nước có vấn đề kẹt xe, giao thông trì trệ, thường khuyến khích phát triển phương tiện vận tải công cộng, giảm thiểu xe cá nhân. Chính sách về thuế xăng dầu cũng theo đó mà áp dụng. Để giao thông công cộng VN phát triển, chúng ta phải có chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại một số khu vực. Chẳng hạn, tăng thuế đánh vào mặt hàng xăng, giảm thuế với dầu để khuyến khích xe buýt chạy bằng dầu. Hoặc khuyến khích hỗ trợ DN sản xuất, đánh cá… giảm thuế cho mặt hàng dầu, nhưng mặt trái của nó là khí phát thải. Thế nên, chúng tôi từng có kiến nghị giảm thuế môi trường cho nhiên liệu phục vụ tàu bè đánh cá xa bờ...".
Bình luận (0)