Bà bán phở, bán bánh mì… vào tầm ngắm thuế
Cuối năm 2018, Tổng cục Thuế đã có công văn chỉ đạo ngành thuế các cấp thường xuyên rà soát đảm bảo đầy đủ dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với những cá nhân hoạt động không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản...). Thông tin này khiến nhiều người chạy xe ôm, bán vỉa hè hoang mang. Hai vợ chồng chú Ba bán xe bánh mì tại P.Tân Quy (quận 7, TP.HCM) cho biết mỗi ổ bánh mì thịt bán giá 20.000 đồng, tháng cũng kiếm được khoảng 10 - 12 triệu đồng. Nếu bị bắt đóng thuế thì sợ không còn đủ ăn và chi phí lo cho hai con đang học cấp 2 và cấp 3.
Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có). Lệ phí môn bài được tính dựa trên doanh thu hằng năm từ 300.000 - 1 triệu đồng tùy thuộc vào doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đến trên 500 triệu đồng/năm.
Ngưỡng 100 triệu đồng trở lên phải nộp thuế đã bị nhiều hộ kinh doanh và các chuyên gia thuế phân tích đã lạc hậu so với mức chi tiêu và đời sống của người dân hiện nay. Chẳng hạn theo tính toán, một người bán phở từ 8 tô mỗi ngày trở lên đã phải nộp thuế TNCN mà họ không được khấu trừ tiền mua thịt bò, thịt heo, bánh phở hay trả công người phụ bếp, dọn dẹp… Điều này được nhận xét là không công bằng và cũng bất hợp lý trong thực tiễn hiện nay. Do đó ngưỡng chịu thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cần sớm được xem xét sửa đổi để đảm bảo đời sống của nhiều người dân.
Vắt kiệt sức xe ôm công nghệ
Chính sách thu thuế này khiến nhiều người dân phản ứng. Đầu tháng 9 vừa qua, hàng trăm tài xế công nghệ đã phản ứng mạnh mẽ khi Cục Thuế TP.HCM thông tin các cá nhân chạy xe công nghệ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc diện nộp thuế. Cụ thể, trường hợp tài xế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải nộp thuế. Trường hợp có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu với mức thuế 4,5%, trong đó 3% là thuế GTGT, 1,5% là thuế TNCN. Nếu nhận tiền thưởng thì nộp thuế 1% trên số tiền được nhận.
|
Bất cập ở chỗ trong khi cùng thời gian làm việc, mức thu nhập như nhau nhưng nhiều ngành nghề khác được giảm trừ gia cảnh, thu thuế thấp hơn. Trong khi đó, các tài xế “cày” ngày đêm ngoài đường mới chạy được tới mức thu nhập như vậy thì phải đóng thuế cao hơn vì không được tính giảm trừ gia cảnh, không trừ chi phí, chẳng hạn như tiền xăng, khấu hao xe…
Trong buổi đối thoại với Cục Thuế TP.HCM, tài xế Đỗ Ngọc Thịnh, đang chạy cho ứng dụng gọi xe Grab cho hay: Để có được doanh thu 100 triệu đồng/năm, tài xế phải chạy xe trung bình từ 10 - 12 giờ mỗi ngày, làm việc ngoài giờ thay vì 8 tiếng như các lao động khác. Chưa kể đặc thù của nghề xe ôm là phải “cày” ngày, “cày” đêm giữa trời mưa, nắng, đối diện với những rủi ro, nguy hiểm như tai nạn, va quẹt… để mong có được tiền trả tiền thuê nhà, nuôi gia đình, trả tiền học phí cho con… Thế nhưng kiếm được 100 triệu đồng, đã đóng 4,5% tiền thuế là bất công cho người chạy xe vì họ phải đổ xăng, đổ nhớt, sửa xe… mới có được số tiền này. “Dù rằng thu thuế 4,5% đối với người có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm là không sai luật nhưng quá tàn nhẫn với người chạy xe. Chúng tôi phải đổ xăng, đổ nhớt, sửa xe, vắt cạn sức… mới có được số tiền này nhưng tất cả đều không được tính toán để giảm trừ. Nhà nước phải tính toán trừ đi những chi phí này trước khi tính thuế, kể cả việc cho trừ gia cảnh, người phụ thuộc vì tài xế nào mà không có gia đình, nuôi vợ con”, ông Thịnh bức xúc.
Đồng tình, một tài xế khác phân trần: Những người chạy xe ôm công nghệ chủ yếu là người nghèo và cận nghèo, khó có khả năng lao động để tìm công việc khác. Nhiều người còn phải nuôi mẹ già, con nhỏ. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều hãng, tài xế chạy xe 2 bánh ngày càng khó khăn. Ước tính thu nhập thực của tài xế chỉ chiếm khoảng 60% tổng doanh thu vì ngoài 20% chiết khấu lại cho hãng, tài xế phải tốn ít nhất 20% cho xăng nhớt, hao mòn xe, tiền điện thoại... “Nếu cứ bổ doanh thu mà đánh thuế cho chúng tôi như vậy thì thật sự quá bất công” - vị này nói.
Bình luận (0)