Thuê trọ ở TP.HCM: Phân tầng mức sống

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
26/04/2023 06:37 GMT+7

TP.HCM là thị trường lao động lớn nhất cả nước, với khoảng 5 triệu người, kéo theo thị trường thuê trọ cũng rất đa dạng. Theo thống kê của nhiều nền tảng cho thuê phòng, giá thuê phòng trọ tăng từ 15% so với cùng kỳ năm 2022. Những năm qua, thị trường này rất sôi động với đủ loại phân khúc.

Trả thêm 500.000 - 1 triệu đồng cho một cái cửa sổ

Năm 2022, tôi 3 lần chuyển trọ và mỗi lần chuyển là rất oải vì choáng ngợp bởi sự chênh lệch phân khúc của các loại phòng.

Ban đầu, tôi muốn có một căn phòng trọ "ổn" theo ý cá nhân như sau: giá cho một người thuê, có cửa sổ hoặc ban công để dễ làm việc tại nhà, nhà vệ sinh riêng, phạm vi bán kính 5 km từ hồ Con Rùa (Q.3).

Song khi đi tìm trọ trên một số trang Facebook và các nền tảng cho thuê đang thịnh hành, thì tôi nhận ra để đáp ứng hết các nhu cầu này, tôi buộc phải có khả năng chi trả từ 3,5 - 10 triệu đồng/tháng (chiếm khoảng 23 - 66% thu nhập cá nhân) cho tiền phòng. Nếu muốn phòng rẻ hơn, tôi phải bỏ bớt đi 2 - 3 tiêu chí.

Thuê trọ ở TP.HCM: Phân tầng mức sống - Ảnh 1.

Một phòng trọ tại Q.Phú Nhuận có giá thuê 5,5 triệu đồng/tháng (chưa kể điện, nước, phí dịch vụ…)

P.T.N

Sau cùng, tôi đánh liều thuê một căn hộ dịch vụ ở P.19 (Q.Bình Thạnh) với giá 3,5 triệu đồng/tháng cho 3 tháng đầu tiên (khoản hỗ trợ người thuê sau dịch Covid-19) và 5,5 triệu đồng/tháng cho 3 tháng cuối nếu ký hợp đồng 6 tháng, cọc 5,5 triệu đồng. Tính ra tôi chi khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện (giá 4.000 đồng/kWh) và nước (100.000 đồng) cùng các chi phí dịch vụ khác như wifi, rác thải...

Căn phòng này được cái là có cửa sổ rộng nhưng mở hé cửa ra là đụng tường nhà bên cạnh. Theo lời anh Tính (chủ trọ), anh thuê lại mấy căn nhà cũ và cải tạo thành những căn hộ dịch vụ có diện tích từ 10 - 35 m2, "full nội thất" (trang bị kệ bếp, tủ quần áo, bàn học, giường, máy lạnh…). Khi phòng có cửa sổ thì giá thuê sẽ tăng từ 500.000 - 1 triệu đồng/phòng. Phòng đối diện tôi có ban công, giá đội lên tới 7,5 triệu đồng/tháng.

Dù thuận lợi đi làm, nhưng ở 2 tháng là tôi chuyển đi vì phòng ẩm thấp và ảnh hưởng bởi tiếng ồn do một nhà hàng sát bên hoạt động lại sau dịch Covid-19.

Sau đó, tôi sang thuê một phòng trọ khác ở P.21 giáp ranh P.19 (Q.Bình Thạnh). Nói là phòng trọ, nhưng thực chất đó là căn phòng nhỏ khoảng 8 m2 trên tầng 3 của một nhà dân.

Bác chủ trọ ngoài 60 tuổi nói với tôi căn nhà này bác thuê lại của một người khác để gần chỗ buôn bán. Giá thuê nhà nguyên căn là 15 triệu đồng/tháng, bác cho tôi thuê lại từ 3,5 - 3,8 triệu đồng/tháng tùy mức điện nước tôi dùng. Rất khó để kiếm được căn trong trung tâm mà sạch sẽ như vậy, nên tôi ưng ngay.

Phòng không có nội thất gì cả. Theo hợp đồng với chủ trọ, tôi có thể sử dụng bếp, tủ lạnh của gia đình dưới tầng trệt. Nhưng thực tế, tôi chỉ dùng máy giặt ở sân thượng (lầu 4), còn lại hầu như tôi không đụng vào, vì ngại và vì thấy bất tiện với gia chủ.

Ban đầu, tôi cứ nghĩ dù ở chung chủ cũng "mạnh ai nấy sống", nhưng thực tế, thời điểm giặt quần áo, phơi đồ, giờ giấc đi về cho đến… sắc mặt của mình đều có thể ảnh hưởng đến gia chủ… Thế là đến tháng 10.2022, tôi rời đi sau 5 tháng đủ loại bất tiện "tích tụ".

Vậy là chuyển nhà lần 3, tôi lại ngược xuôi tìm trọ, cuối cùng tôi thuê được một căn ở Q.Phú Nhuận diện tích 13 m2, có ban công hứng gió nắng hợp ý mình.

Đây cũng là một căn phòng được cải tạo lại cho thuê và bên thi công làm thêm một cái gác lửng để tạo thêm không gian. Với tiện ích "ban công", "cửa sổ", "giờ giấc tự do", chi phí đội lên khoảng 6 triệu đồng/tháng. Không thể chi tiêu số tiền lớn như vậy cho chỗ ở, tôi đành rủ bạn ở cùng.

Thuê trọ ở TP.HCM: Phân tầng mức sống - Ảnh 2.

Xe đậu kín lối đi tại căn trọ ở Q.Bình Thạnh mà chị Hồ Thu Hà đang thuê

LÊ HUỲNH

Giá đắt!

Trên Facebook, dễ tìm các nhóm phòng trọ được đặt tên theo quận, huyện như "Phòng trọ Phú Nhuận", "Phòng trọ Bình Thạnh giá rẻ" hoặc đi kèm cùng loại hình thuê phòng mới nổi như "Căn hộ dịch vụ TP.HCM", "Chung cư mini giá rẻ TP.HCM", "Duplex giá rẻ" (loại phòng có gác), "Ký túc xá tư nhân"…

Mỗi ngày có hàng trăm bài đăng thông tin thuê hoặc cho thuê, xoay quanh các tiêu chí như địa điểm, ở trọ "chung chủ", nội thất, độ thoáng, phòng trọ "quay đầu" (tức dưới một mức tiền nào đó), dịch vụ (giá điện, nước, phí rác thải, internet, tự do giờ giấc, cửa sổ, ban công…). Điều tôi để ý chính là hiện nay các loại hình căn hộ dịch vụ rất nhiều và giá thuê bị đội lên bởi những tiện ích đi kèm.

Tôi cũng đặt câu hỏi tham chiếu chủ đề về giá thuê trọ của TP.HCM cho ChatGPT thì nhận được câu trả lời rằng thống kê từ các trang web bất động sản như batdongsan.com.vn, phongtro123.com, muaban.net, hay chotot.com, giá thuê trọ tại TP.HCM khá đắt so với nhiều khu vực khác trên cả nước vì đây là trung tâm kinh tế, tài chính và du lịch lớn nhất VN, thu hút đông người dân và sinh viên đến định cư, học tập.

Tùy vào vị trí, diện tích, tiện nghi, môi trường xung quanh, giá thuê trọ phân theo khu vực trung tâm từ 3 - 6 triệu đồng/tháng, khu vực ngoại thành từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. Từ năm 2019 đến nay, giá thuê trọ tại TP.HCM trải qua nhiều biến động và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, tuy nhiên điều này cũng phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính sách quy hoạch và cung - cầu trên thị trường bất động sản.

Với thông tin tổng hợp mang tính tham chiếu của ChatGPT, nếu lấy mức thu nhập trung bình 11 triệu đồng/tháng của người lao động tại TP.HCM năm 2022 theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP thì mức chi cho thuê trọ từ khoảng 18 - 55%/lương. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy người lao động mong thuê nhà dưới 15%/tổng thu nhập. Hiện nay để có tiền dành cho chi phí cố định này, người thuê hoặc chấp nhận bớt đi những điều kiện về chỗ ở, hoặc phải làm nhiều hơn để có tiền chi trả.

Tôi lập một phiếu khảo sát khoảng 20 người đang làm công nhân, nhân viên công ty tại TP.HCM với mức lương trung bình khoảng 7 - 15 triệu đồng/tháng để hiểu thêm về tình hình thuê trọ. Cả 20 người đều cho biết giá thuê phòng của họ hiện chiếm 28 - 33%/thu nhập (tức giá thuê từ 2 - 5 triệu đồng/tháng) của họ và đều chắc nịch câu trả lời khi được hỏi nhận định giá thuê phòng hiện nay bằng từ… "đắt".

Trước hết, giá thuê sẽ phân tầng mức sống theo khu vực. Các quận trung tâm, điển hình là Q.1, Q.3, Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận, giá thuê từ 3 - 6 triệu đồng/tháng/phòng đơn và lên tới vài chục triệu đồng cho những căn hộ chung cư cao cấp.

Trong khi đó, các khu vực ngoại thành hoặc gần các khu công nghiệp thì giá thuê trọ thường thấp hơn, từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, độ ổn định và chất lượng phòng trọ của những căn này thường không được đảm bảo.

Sau đó, giá thuê trọ sẽ phân ra cụ thể cho các thông số về diện tích, tiện nghi trong phòng, vị trí, độ mới cũ, hệ thống an ninh, tiện ích bên ngoài.

Chị Hồ Thu Hà (27 tuổi, đang trọ tại P.22, Q.Bình Thạnh) cho biết chị đã có nhiều kinh nghiệm thuê các thể loại phòng trọ ở TP.HCM, từ dạng trọ sleepbox (hộp ngủ) cho tới ký túc xá tư nhân hay các căn trọ bình dân được xây theo dãy có từ lâu đời tại thành thị. Hiện chị Hà ở căn phòng giá 2,5 triệu đồng/tháng, diện tích 12 m2 gồm gác lửng. Giá phòng rẻ do không có cửa sổ hay nội thất.

Dù mức chi phí cho thuê phòng đã chiếm 36% so với thu nhập 7 triệu đồng/tháng của chị Hà, nhưng căn trọ này lại làm chị lo ngại vì các nguy cơ khác, đặc biệt là cháy nổ, vệ sinh, ô nhiễm tiếng ồn.

Trong khi đó, chị Trịnh Thanh (26 tuổi) chấp nhận mất không gian sinh hoạt riêng tư để thuê chỗ ở trong một ký túc xá tư nhân Q.Bình Thạnh với giá 1,65 triệu đồng/tháng. "Ở đông người rất hỗn loạn, bất tiện. Nhưng đành chịu vì không thể tìm một căn trọ nào ổn với giá dưới 3 triệu đồng/tháng cho một người ở tại khu trung tâm. Giá trọ giờ đắt hơn nhiều, ra vùng ven thì giá cả có thể nhỉnh hơn một tí so mức 1,65 triệu đồng/tháng, song đi rất xa, tốn kém tiền xăng", Thanh nói.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.