Kể từ khi các núi đá nằm bao bọc giữa 3 bản Khe Dây, Khe Ngang, Rào Trù, (gọi chung là thung lũng Rào Trù) ở xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh (Quảng Bình) được cấp phép khai thác, cuộc sống của người dân nơi thung lũng yên bình đã trở nên ồn ào, ngột ngạt khi mỗi ngày tiếng xe, tiếng nổ mìn, tiếng xay đá… liên tục diễn ra.
Sống chung với tử thần
Trên địa bàn xã Trường Xuân hiện có 5 mỏ đá (của các công ty, xí nghiệp) đang được cấp phép hoạt động. Trong đó, tại bản Rào Trù có 2 mỏ, bản Khe Ngang có 2 mỏ, bản Rào Đá có 1 mỏ. Đáng chú ý cả 5 mỏ đá trên chỉ nằm trong phạm vi gần 10 km2 và cũng rất gần với các khu dân cư.
Trong bán kính chưa đến 10 km2, có đến 5 mỏ đá bao vây thung lũng Rào Trù |
BÁ CƯỜNG |
Ông Hồ Nối (70 tuổi, bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh) cho biết trước đây ông là trưởng bản thuộc thế hệ đầu tiên chuyển về sinh sống tại thung lũng Rào Trù. Hơn 10 năm qua, ông rất bức xúc trước cảnh cuộc sống của người dân trong bản bị xáo trộn.
“Hàng chục chiếc xe trọng tải lớn ra vào mỗi ngày để vận chuyển đá khiến tuyến đường đầy ổ gà, khói bụi thì bốc lên gây ô nhiễm, bay vào nhà dân. Mùa mưa còn đỡ, chứ đến mùa khô ráo thì chúng tôi không chịu nổi”, ông Nối nói.
Cũng theo ông Nối, không chỉ phải sống chung với khói bụi mỗi ngày, người dân trong bản cũng lo sợ mỗi khi các xe đá di chuyển hay các mỏ nổ mìn. Không ít lần đá rơi trúng mái nhà, gây hư hỏng đồ đạc thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Nguồn nước sạch để sinh hoạt cũng đang mất dần khi con suối Khe Dây đang bị đá dăm từ từ trôi xuống vùi lấp.
Không ít lần người dân bức xúc, chặn đường không cho xe chở đá lưu thông |
BÁ CƯỜNG |
Bức xúc, nhưng người dân tại thung lũng Rào Trù vẫn phải chấp nhận cảnh “sống chung" với các mỏ đá đang được cấp phép khai thác. Trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều lần người dân tại 3 bản đã kéo ra giăng dây, chặn đường không cho xe di chuyển.
Tính từ tháng 7.2021 đến nay, hơn 10 vụ việc người dân chặn đường vì quá bức xúc.
Dân chờ giải pháp lâu dài
Anh Hồ Sửu (36 tuổi, xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh), Trưởng bản trẻ ở Khe Ngang, cho biết mỗi lần có các vụ việc như đá rơi trúng nhà dân, người dân kéo nhau ra chặn đường xe tải... đại diện của bản đều có đơn gửi các cơ quan chức năng trình báo. Thế nhưng, tình hình vẫn chưa được giải quyết.
“Không ít lần người dân gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng. Các đoàn cũng có về kiểm tra, nhưng chỉ yên bình được vài ngày. Sau đó xe vẫn chạy, mìn vẫn nổ và cuộc sống của người dân lại vẫn cứ xáo trộn”, anh Sửu nói.
Tính riêng bản Khe Ngang hiện nay có 121 hộ dân, trong đó có gần 200 em học sinh đang theo học tại 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học. Cả 2 điểm trường này đều nằm cận khu vực mỏ đá của một công ty.
Mọi thứ chỉ yên bình được vài ngày sau mỗi lần người dân gửi đơn kiến nghị |
bá cường |
UBND xã Trường Xuân cũng đã giao Công an xã kiểm soát các xe di chuyển, yêu cầu giảm tốc độ khi vào mỏ đá, chở đúng trọng tải. Các chủ mỏ cũng được yêu cầu hạn chế nổ mìn vào giờ tan học để tránh ảnh hưởng đến các em học sinh cũng như người dân xung quanh.
Ông Phạm Tiến Cảm, Chánh Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, cho biết sở vừa kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường cũng như có giải pháp bồi thường nếu ảnh hưởng đến người dân.
“Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường tần suất tưới nước trên đường để giảm bụi và tu sửa lại mặt đường. Qua đó cũng thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do gây ra sự cố môi trường. Sở cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị kiểm tra trọng tải, tốc độ của các xe chở đá, kiểm soát chặt chẽ khu vực nào hạn chế và thời gian vận hành. Kiểm tra những thứ này là trách nhiệm của lực lượng công an và Sở GTVT. Ngoài ra, sở còn kiến nghị Sở Công thương thanh tra kiểm tra lại lượng thuốc nổ”, ông Cảm nói.
Bình luận (0)