Trong đơn phản ánh gửi Báo Thanh Niên, ông Phạm Văn Hùng (61 tuổi, ngụ ấp An Ninh A, xã An Thuận, H.Thạnh Phú, Bến Tre) trình bày: Đầu năm 2019, giữa gia đình ông và bà P.T.Đ (55 tuổi, ngụ cùng địa phương) có tranh chấp đường nước dẫn vào vuông tôm. Mặc dù được UBND xã An Thuận giải quyết ổn thỏa nhưng bà Đ. vẫn thường gây sự, dọa thuốc tôm nuôi của ông.
Sáng ngày 14.6.2019, tôm trong ao của ông Hùng bỗng chết đột ngột khoảng 200 kg (gồm tôm càng, tôm sú), thiệt hại khoảng 45 triệu đồng. Công an H.Thạnh Phú cho rằng không bắt được tội phạm nên không đủ cơ sở để xử lý.
Tiếp đến, khoảng 19 giờ ngày 10.7.2019, trong lúc đi tuần tra, ông Hùng bắt quả tang bà Đ. lén ném chất hỗn hợp xuống ao tôm rộng 6.200 m2 của ông. Sự việc có nhiều láng giềng chứng kiến và được trình báo Công an xã An Thuận cùng Công an H.Thạnh Phú. Ngay trong đêm, Công an H.Thạnh Phú đã tiếp cận hiện trường và tạm giữ bà Đ. 2 ngày để làm rõ hành vi hủy hoại tài sản người khác.
Sáng hôm sau, tôm của ông Hùng chết sạch và Cơ quan CSĐT Công an H.Thạnh Phú thông báo số tài sản bị hủy hoại được định giá 27,7 triệu đồng. Các mẫu vật tại hiện trường được Cơ quan CSĐT Công an H.Thạnh Phú thu giữ và mang đi trưng cầu giám định.
Tháng 2.2020, gia đình ông Hùng vô cùng thất vọng khi nhận quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thuốc tôm từ Cơ quan CSĐT Công an H.Thạnh Phú. Trong đó, quyết định nêu lý do chất hỗn hợp mà bà Đ. dùng rải xuống ao tôm ông Hùng có chứa độc tính (Fenobucard). Chất này gây chết cho động vật nhưng chưa có cơ sở vững vàng để xác định chất Fenobucard có phải chất độc đã trực tiếp gây chết tôm trong ao hay còn nguyên nhân khác. Mẫu chất độc sau đó được gửi đến Bộ NN-PTNT, nhưng chưa có phản hồi.
Ngày 23.12, tin từ Cơ quan CSĐT Công an H.Thạnh Phú cho biết vụ án thuốc tôm tại hộ ông Phạm Văn Hùng vừa được phục hồi điều tra, nhưng đơn vị vẫn đang “thỉnh thị” thêm ý kiến của cơ quan chuyên môn các cấp để có hướng giải quyết vụ án “hủy hoại tài sản” do ông Hùng tố giác.
“Từ ngày xảy ra vụ việc, gia đình tôi lâm vào tận cùng khổ sở, vì ao tôm là sinh kế duy nhất cho cả nhà 5 miệng ăn đã không còn canh tác được nữa. Đáng thương nhất là đứa con đang học đại học ở TP.HCM mà tôi không có tiền gửi lên cho nó. Tôi ngày đêm mong chờ cơ quan chức năng trả lại sự công bằng cho gia đình tôi, nhưng sự việc cứ rơi vào im lặng”, ông Hùng nói như khóc.
Song song đó, đại diện của hàng chục hộ dân ở ấp Thạnh Ninh A, xã An Thuận cùng bày tỏ với PV Báo Thanh Niên rằng họ vô cùng bức xúc vì vụ việc xảy ra đã 1,5 năm rồi mà chưa được xử lý dứt điểm. Nghiêm trọng nhất là qua vụ thuốc tôm, những người nuôi tôm trong ấp cứ luôn trong tâm lý bất an vì sợ ao tôm của mình cũng bị thuốc, bởi người gây ra vụ án thuốc tôm cứ ung dung ngoài vòng pháp luật.
Bình luận (0)