Thượng đỉnh trực tuyến Biden-Putin: 5 nội dung chính
Cuộc hội đàm thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tập trung chủ yếu vào chủ đề Ukraine, nhưng cũng đề cập tới những vấn đề khác đang làm ảnh hưởng quan hệ song phương.
Tự động phát
Cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ hôm 7.12 nhắc đến cuộc chiến chống tội phạm không gian mạng, khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước, đàm phán kiểm soát vũ trang và nỗ lực khởi động lại đàm phán hạt nhân với Iran.
Tổng thống Biden cảnh báo Nga không “xâm lược” Ukraine
Ông Biden bày tỏ quan ngại của phía Mỹ về điều mà ông cáo buộc là kế hoạch của Nga nhằm “xâm lược” Ukraine vào tháng 1 tới. Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ có những biện pháp cấm vận mới nếu điều đó xảy ra. Tuy nhiên, ngay sau cuộc hội đàm, Nhà Trắng cho biết chính phủ Mỹ không tin rằng ông Putin đã quyết định “chiếm thêm đất" của Ukraine.
“Chúng tôi vẫn không cho rằng Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định. Điều mà Tổng thống Biden làm hôm nay là vạch ra rõ ràng hậu quả nếu ông Putin chọn hành động. Và cuối cùng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy những hành động, chứ không phải là lời nói, dựa vào những gì mà Nga chọn làm”, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết.
Tổng thống Putin đòi NATO đảm bảo
Tổng thống Nga trả lời rằng chính NATO mới là bên có những động thái quyết liệt nhằm vào Nga, bao gồm các hoạt động ở Ukraine.
Ông nói Moscow muốn nhận được đảm bảo pháp lý có tính ràng buộc rằng liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu sẽ không mở rộng thêm về phía đông, không triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các nước có chung biên giới với Nga, trong đó có Ukraine.
Ông Putin cũng lên án chính sách “hủy hoại" của chính phủ Ukraine mà ông cho rằng có mục đích phá vỡ thỏa thuận hòa bình ở miền đông Ukraine.
Tìm cách gỡ bế tắc ngoại giao
Nhà lãnh đạo Nga đề xuất dỡ bỏ mọi hạn chế trong hoạt động của các đại sứ quán và lãnh sự quán mà đôi bên đã áp đặt lẫn nhau trong 7 năm qua. Qua đó, hai nước có thể bình thường hóa hoạt động ngoại giao.
Mỹ đã khởi đầu xung đột khi trục xuất các nhà ngoại giao Nga vào cuối năm 2016. Washington và Moscow sau đó trả đũa lẫn nhau, dẫn đến việc đóng cửa nhiều lãnh sự quán và khiến đại sứ quán của hai nước không thể hoạt động hết công suất.
Nga-Mỹ hợp tác về an ninh mạng
Nhà Trắng nhắc đến chủ đề “phần mềm mã độc" trong cuộc hội đàm, còn Điện Kremlin cho biết cả hai bày tỏ sẵn sàng “tiếp tục tương tác" để cùng chống tội phạm mạng cả về kỹ thuật và pháp luật.
Hồi tưởng cựu đồng minh
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày diễn ra vụ tấn công Trân Châu Cảng, hai nhà lãnh đạo khẳng định không thể lãng quên công lao của những người đã ngã xuống cho thắng lợi cuối cùng trong Thế chiến thứ 2. Họ cũng cho rằng quan hệ đồng minh giữa hai nước trong thế chiến có thể là ví dụ cho hợp tác trong hiện tại.
Bình luận (0)