Thượng nguồn tích lớn, mực nước lũ sông Mekong thấp hơn cả mét

Chí Nhân
Chí Nhân
01/09/2024 12:33 GMT+7

Các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong tiếp tục tích trữ cả tỉ m3 nước mỗi tuần là một trong những lý do khiến mực nước lũ sông Mekong thấp hơn bình thường cả 1m.

Nước lũ thấp vì mưa ít và thủy điện tích nước

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động các đập thủy điện sông Mekong) trong tuần trước, các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong tiếp tục tích gần 1,5 tỉ m3 nước gồm đập Nam Theun 2 (Lào) 538 triệu m3, Nam Ngum 1 (Lào) 490 triệu m3 và Nọa Trát Độ (Trung Quốc) 300 triệu m3. Việc này khiến mực nước lũ mùa mưa trên sông Mekong ở mức thấp, tác động tiêu cực đến ngành thủy sản và sản lượng nông nghiệp trên sông Mekong.

Thượng nguồn tích lớn, mực nước lũ sông Mekong thấp hơn cả mét- Ảnh 1.

Mực nước lũ sông Mekong thấp hơn trung bình các năm trước cả 1m

CÔNG HÂN

Những thông số trên trùng khớp với nhận định của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam là dòng chảy trên thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 8 ở mức thấp và có xu thế giảm do lượng mưa thấp. Tại trạm Kratie (Campuchia) mực nước lũ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều thời đoạn mực nước thấp hơn các năm 2023 và 2015. Mực nước trung bình tháng 8 đạt 16,7m. So với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn đến 1,39m và thấp hơn năm 2023 là 0,26m. Đến ngày 29.8 mực nước tại Kratie là 16,86 m. So với cùng kỳ nhiều năm, thấp hơn 1,86 m nhưng cao hơn năm 2023 là 1,3m.

Thượng nguồn tích lớn, mực nước lũ sông Mekong thấp hơn cả mét

Tương tự, mực nước Biển Hồ (Campuchia) trong tháng 8 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng cao hơn khá nhiều cùng kỳ năm 2023. Đến ngày 29.8 mực nước đạt 5,4 m; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,99 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,54m.

Tại vùng ĐBSCL, trong tháng 8 mực nước lũ đầu nguồn tại trạm Tân Châu trên sông Tiền và Châu Đốc trên sông Hậu ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều. Mực nước lớn nhất tại Tân Châu đạt 2,4m vào ngày 22.8; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,87m và xấp xỉ năm 2023. Mực nước lớn nhất tháng tại Châu Đốc đạt 2,5m vào ngày 22.8; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,36 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,22m.

Trong tháng 8.2024, khi mực nước lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp nhưng triều cường ven biển lại ở mức cao nên xảy ra ngập úng cục bộ một số địa bàn các tỉnh vùng ven biển.

Tháng 9 mưa tăng nhưng lũ vẫn ở mức thấp

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam dự báo: Lượng mưa hạ lưu vực sông Mekong trong tháng 9 phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn từ 0,25 - 1 mm/ngày, một số nơi trên 1 mm/ngày.

Tuy nhiên, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long được dự báo vẫn ở mức thấp dù có xu thế tăng. Mực nước lớn nhất trong tháng 9 tại trạm Tân Châu dự báo dao động ở mức 3 - 3,2m; so với cùng kỳ nhiều năm thấp hơn từ 0,51 - 0,71m và thấp hơn mức báo động 1 từ 0,3 - 0,5m nhưng cao hơn năm 2023 từ 0,07 - 0,27m.

Mực nước tại trạm Châu Đốc được dự báo dao động ở mức 2,7 - 2,9m; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn từ 0,41 - 0,61m tương đương mức báo động 1 và cao hơn năm 2023 khoảng 0,13m.

Trong tháng 9, triều cường ở mức khá cao và cao hơn nhiều trung bình nhiều năm. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam khuyến cáo các tỉnh ở vùng giữa và vùng ven biển cần hết sức lưu ý và gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó với triều cường và lũ kết hợp triều cường. Đặc biệt, các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang cần hết sức đề phòng ngập úng do mưa và triều cường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.