Thương nhớ miền Trung - thương về miền ký ức

19/01/2021 16:49 GMT+7

Sau hơn 4 tháng diễn ra, cuộc thi viết "Thương nhớ miền Trung" đã nhận được sự quan tâm, tham gia và dõi theo của đông đảo bạn đọc trong lẫn ngoài nước. Trong số hơn 1.000 bài viết được gửi về cho chương trình, thiên tai - lũ lụt và hình người người mẹ miền Trung là những chủ đề được nhiều tác giả lựa chọn nhất để nói về miền Trung.

“Quê tôi nghèo lắm, có lẽ đến bây giờ vẫn còn nghèo.
Huế trong tôi là những miền của ký ức, là những gam màu xám xịt, chằng chịt những mất mát và chia ly.
Nơi mà thiên tai, lũ lụt là những vị khách thường bất chợt ghé thăm.”
Trích “Nhớ Huế” - tác giả Nguyễn Lộc
Năm 2020 đầy biến động đã đi qua. Dịch bệnh đã lắng xuống. bão đã tan và lũ đã rút. Nhưng những nỗi đau, những mất mát dường như vẫn chưa dịu đi trong lòng những người con của khúc ruột miền Trung.
Có lẽ đó cũng là lý do mà thiên tai, lũ lụt là một trong những chủ đề được nhiều tác giả đề cập nhất trong các bài dự thi gửi về cho chương trình “Thương nhớ miền Trung” do Báo Thanh Niên phát động.
Ở dải đất ni, có đứa trẻ mô lớn lên mà nỏ đi qua những mùa lũ.
“Có những trận lũ lịch sử, khi nước đã rút hết, người dân chỉ còn lại ngôi nhà, trống huơ trống hoác, những bùn là bùn.
Bởi rứa, sau những ngày đó, với miền Trung, là những bữa cơm đạm bạc, cà muối mặn,.. Thức ăn của người miền Trung lúc mô cũng mặn chát. Như chính cuộc đời, con người, cuộc sống của họ..”
Trích “Đứng lên trong giông bão” - tác giả Ngọc An

Cuộc thi "Thương nhớ miền Trung" đã tìm ra chủ nhân các giải thưởng xứng đáng sau hơn 4 tháng tranh tài

Lê Nam

Mưa lũ thì năm mô cũng có. Có năm lũ to, có năm bão nhỏ, có năm mất mùa, lại có năm nước cuốn trôi cả nhà. Trong những thời khắc khó khăn đó, người miền Trung lại càng thêm thấm thía nghĩa tình giúp đỡ nhau đi qua hoạn nạn. Và trong những ký ức đó, hình ảnh người mẹ luôn gắn liền.
Cùng với thiên tai, hình ảnh người mẹ miền Trung cũng chính là chủ đề được nhiều người con miền Trung nhớ về nhất trong hơn 1.000 bài viết gửi về cho chương trình.
Nhà văn Anh Khang - Thành viên ban giám khảo cuộc thi cho rằng, có lẽ chính sự thương khó của miền Trung đã khiến những dòng viết của các tác giả luôn đầy cảm xúc. 

Nhà văn Anh Khang và cuốn sách "Thương nhớ miền Trung"

Lê Nam

  "Hình ảnh những người mẹ, những người bà hiện lên rõ mồn một từng đường nét câu chữ vì nó được viết lên bằng cảm xúc. Mà đối với Khang, cảm xúc thì không có hay, dở, hơn, thua.
Riêng Khang thì thật sự rất khó khăn để cầm cân nảy mực bởi vì đọc bài viết nào mình cũng thấy rưng rưng trong lòng.
Có lẽ chính nắng gió và sự thương khó của miền Trung đã gieo vào lòng của những người viết sự thương nhớ sâu xa và chắt chiu nhất cho nên những dòng viết ra đều là những dòng viết mượt mà mà Khang cảm giác được rằng là nó chạm đến trái tim của một người đọc như Khang." - nhà văn Anh Khang chia sẻ. 
Miền Trung đâu chỉ có thiên tai. Miền Trung đâu chỉ có đất đai khô cằn, nắng mưa khắc nghiệt. Nói về miền Trung mà quên nhắc về mấy thức quà quê, quên kể chuyện thơ ca, quên khoe cảnh đẹp miền biển, quên viết về nghĩa tình đồng hương thì có lẽ thiếu sót nhiều quá.
Có những cụ ông, cụ bà trên 70, 80 tuổi gửi đến cho chương trình những lá thư tay với những dòng chữ nắn nót gửi gắm biết bao tâm tình về mảnh đất họ gắn bó cả cuộc đời.
Lại có chàng trai Huế bồi hồi nhớ ngày mưa Phong Điền trong những đêm lạnh Sendai (Nhật Bản).
Hay có cô gái xứ Nghệ tâm tình nỗi nhớ quê, thương mẹ trong những năm tháng học tập ở Moscow. 
Rứa mới thấy, những người con dải đất ni đi mô lập nghiệp, dẫu thành thân, dẫu thành công đều luôn nhớ về quê mẹ miền Trung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.