Nhiều nơi lấy lí do chống dịch làm khó doanh nghiệp
Mở đầu câu chuyện, ông Lương Hoài Nam lấy một ví dụ từ một khách sạn ở Vũng Tàu treo băng rôn cầu cứu chính quyền cho mở lại các hoạt động du lịch theo tiêu chí an toàn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Tiếng kêu này đại diện cho hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp trong ngành.
Trong khi đó, hiện nay không thiếu các trường hợp lấy lý do chống dịch làm khó doanh nghiệp, người dân thiếu cơ sở khoa học, vì sợ trách nhiệm.
Cũng theo ông Nam, khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở địa phương đã đủ cao, nên không còn giải pháp nào khác mạnh hơn để chờ đợi mới có thể mở cửa du lịch. Như TP.HCM hay Hà Nội tỷ lệ tiêm vắc xin còn cao hơn Mỹ, cao hơn châu Âu, gần bằng Singapore... Như vậy còn chờ gì nữa mà chưa mở cửa ngành du lịch vì đến nay vắc xin là công cụ mạnh nhất để thích nghi, để làm ăn, để phát triển theo Nghị quyết của Chính phủ.
Ông Lương Hoài Nam đề xuất mở cửa ngành du lịch như các nước với các quy định dễ dàng hơn |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Ông Lương Hoài Nam nhắc lại câu chuyện từ ngày 11.6.2021 Bộ Chính trị cho chủ trương thực hiện thí điểm hộ chiếu vắc xin du lịch vào Phú Quốc, nhưng kết quả đến nay chỉ có khoảng 300 - 400 du khách nước ngoài đến Việt Nam. Kết quả đạt được quá khiêm tốn nguyên nhân do các điều kiện áp dụng chung chưa hấp dẫn, còn nhiều rào cản.
Trong khi như châu Âu, Mỹ đã mở cửa hoàn toàn, ai cũng được vào miễn là đã tiêm vắc xin. Nhiều người Việt Nam đi châu Âu, Mỹ không gặp khó khăn gì. Hay như Dubai mở cửa hoàn toàn từ tháng 8.2021 khi chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR, không yêu cầu chứng chỉ vắc xin. Nước láng giềng Thái Lan cũng mở cửa cho người đã tiêm vắc xin đến từ 63 quốc gia (danh sách tiếp tục được bổ sung), với chính sách visa như trước dịch bệnh. Thậm chí như Campuchia mở cửa cho người đã tiêm vắc xin đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới... Điều đáng nói, không có một nước nào mở cửa du lịch mà bắt cách ly tập trung trong khi Việt Nam bắt cách ly tập trung. Người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì dễ nhưng trở về Việt Nam lại khó khăn.
"Hiện nay giữa Hà Nội và TP.HCM đã có hàng chục chuyến bay mỗi ngày cho hành khách nội địa đã tiêm vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính. Hành khách không cần xin phép di chuyển, đến nơi không phải cách ly. Nhưng đối với người Việt Nam và người nước ngoài đã tiêm vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính, muốn vào Việt Nam phải xin phê duyệt và phải cách ly tập trung. Điều này là một rào cản và có phần vô lý"- ông Nam nói.
Mở cửa cho di chuyển như người trong nước
Từ những thực tế trên ông Nam đề nghị cần tạo điều kiện ngay lập tức cho mọi công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước không cần phải thông qua bất kỳ thủ tục xét duyệt nào, bằng các chuyến bay thường lệ của các hàng hàng không nước ngoài đang bay đến Việt Nam. Nhanh chóng cho phép các hãng hàng không Việt Nam mở lại các đường bay thường lệ quốc tế thay thế các chuyến bay hồi hương (thủ tục quá khó, chuyến bay quá ít, giá vé quá đắt). Không bắt buộc cách ly tập trung hành khách người Việt Nam nếu đã tiêm đủ liều vắc xin (hoặc đã bị nhiễm Covid-19 và hồi phục), có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ trước khi bay. Trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng người lớn không cần có chứng chỉ vắc xin. Chính sách này cần gấp, vì Tết Nguyên đán của Việt Nam đã cận kề.
Thứ hai, đối với các đối tượng khách nước ngoài vào Việt Nam không vì mục đích du lịch, bao gồm khách công vụ, giới đầu tư, kinh doanh, các chuyên gia, lao động cao cấp của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Đề nghị tạo điều kiện thuận lợi như đối với công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước (tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực cấp cao).
Thứ ba, đối với khách du lịch nước ngoài, đề nghị áp dụng các chính sách như của Thái Lan. Đặc biệt, đề nghị áp dụng các chính sách visa như trước Covid-19 (Thái Lan không thay đổi chính sách visa so với trước Covid-19). Không bắt buộc mua tour trọn gói (vé máy bay và đặt phòng khách sạn trong danh sách các khách sạn được phê duyệt là đủ).
Trước mắt nên áp dụng cho 6 sân bay là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vân Đồn, Cam Ranh, Phú Quốc. Khi đến Việt Nam có thể nối tour, di chuyển nội địa thì áp dụng các quy định di chuyển nội địa.
Bình luận (0)