Ba giờ sáng, trời Sài Gòn mưa lất phất, ánh đèn đường nhòe ánh nước. Có lẽ hàng triệu giấc ngủ của người lao động nghèo cũng “nhòe” đi bởi âu lo dịch bệnh. Lúc này, chuyến xe tải chở 25 tấn rau củ từ Đà Lạt về đến TP.Thủ Đức, dừng lại trong khuôn viên kho Food Bank Việt Nam (ngân hàng thực phẩm do anh Nguyễn Tuấn Khởi sáng lập). Anh Khởi cùng mọi người hối hả bốc xếp rau củ, để kịp chuyển đến tặng miễn phí cho bà con xóm trọ nghèo, công nhân ở khu cách ly phong tỏa, các bếp ăn thiện nguyện... Sau hàng giờ thoăn thoắt bưng bê, đôi dép tổ ong dưới chân “ông” Chủ tịch công ty cổ phần VTVCorp bê bết bùn đất, quần áo lấm lem, mặt ướt nhẹp mồ hôi.
Trong những ngày Sài Gòn bùng phát dịch Covid-19, mỗi ngày chàng trai ấy làm việc liên tục 17 - 18 tiếng đồng hồ. Nhiều hôm anh chỉ ngủ 3 tiếng đã phải trở dậy lúc 3, 4 giờ sáng để tiếp tục lịch trình: cùng mọi người đi bốc hàng hóa; gõ bàn phím máy tính đến tê 10 đầu ngón tay để điều chuyển hàng chục, có khi cả trăm tấn thực phẩm đến các bếp yêu thương khắp Sài Gòn; họp bàn gấp các chiến dịch mang hàng hóa giá bình ổn đến cho bà con, giải cứu nông sản bị ùn ứ. Chiều xuống, anh Khởi lại cùng mọi người chở cơm rong ruổi khắp các ngõ nhỏ, tặng miễn phí.
“Có nhiều người, đặc biệt là người yếu thế đang rất cần giúp đỡ, sẻ chia kịp thời. Tôi tin chỉ cần đủ yêu thương, mỗi chúng ta sẽ đủ năng lượng tích cực làm việc bất chấp thời gian, không gian, cống hiến cho cộng đồng. Tôi nghĩ rằng những người như tôi chỉ là hạt cát nhỏ bé trong hàng vạn anh hùng vẫn đang ngày đêm chiến đấu hết sức mình nơi tiền tuyến trong trận chiến chống dịch cam go hiện nay”. Với ý nghĩ đó, anh Khởi thành lập chiến dịch “Tiếp sức tiền phương”, vận động các nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho tuyến đầu chống dịch.
|
Năng lượng yêu thương ấy từ anh Khởi đã lan tỏa đến những người đồng cam cộng khổ, để họ cùng vị “thủ lĩnh” vượt qua khó khăn, mệt nhọc, thực hiện hiệu quả những mô hình mà anh sáng lập như “Khách sạn cộng đồng” cung cấp chỗ ở miễn phí; “Tủ lạnh cộng đồng” san sẻ khó khăn về thực phẩm mùa dịch; “Cơm di động miễn phí” tặng người nghèo; “Bếp yêu thương” cung cấp các suất ăn miễn phí cho nhiều mái ấm, viện dưỡng lão và trung tâm bão trợ xã hội, nơi nuôi dưỡng trẻ em, người già tàn tật… Hàng vạn người yếu thế lâm vào hoàn cảnh khó khăn đã không bị bỏ lại phía sau, nhất là giữa mùa dịch.
'Ông bụt của người nông dân'
Nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai không thể quên năm 2019, họ đã từng ngồi bệt trên cánh đồng khóc trong bất lực. Những giọt nước mắt cay xót rớt xuống ruộng khoai hàng chục nghìn tấn mà họ phải cơ cực đổ mồ hôi chăm bón nhưng đến vụ thu hoạch lại không có người thu mua. Bởi thời điểm đó trên mạng rộ thông tin người trồng khoai lang ở Gia Lai ngày phun thuốc 3 lần, ăn vào chỉ có chết. Giá khoai lang rớt thê thảm, 1.000 đồng/ký cũng chẳng bán được. Bởi vậy, nông dân Phú Thiện càng không quên hình ảnh chàng trai khoác sơ vin, nhưng quần lại ống cao ống thấp, đôi giày tây lấm lem bùn, lội quanh ruộng khoai. Đó là Nguyễn Tuấn Khởi, người dưng ở xa lắc tận Sài Gòn, nhưng nặng lòng với thiệt thòi của nông dân.
Ngay khi nhận được thông tin, Khởi cấp tốc lên Gia Lai, phối hợp với cơ quan chức năng, trực tiếp ra ruộng, lấy mẫu đất, nước và sản phẩm để phân tích, kiểm tra chất lượng và kết quả an toàn theo quy định. Khởi phát động chiến dịch “Khoai lang nghĩa tình”, giúp nông dân vượt qua gian khó. Hàng nghìn tấn khoai đã được tiêu thụ với giá 4.000 - 6.000 nghìn đồng/ký. Khởi cũng kết nối rất nhiều công ty, doanh nghiệp cùng chung tay, giúp nông dân có cơ hội bán được giá cao hơn.
|
Với tấm lòng đầy trách nhiệm, nhiều năm qua, anh Khởi đã phát động hàng chục chiến dịch giải cứu nông sản. Dưới sự hỗ trợ, kết nối của Khởi, những hợp tác xã ra đời, những nhà máy và sản phẩm nông sản được chế biến sâu, giúp nông sản không bị ùn ứ và nông dân không bị thương lái ép giá.
Từ những lần giúp nông dân giải cứu nông sản Việt, đã thôi thúc anh Khởi thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử - mạng xã hội nông nghiệp Việt Nam Agrinews.vn nhằm kết nối và hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân qua web, app; thực hiện các chuỗi sự kiện (event) trải dài trên khắp cả nước để nông dân và nông sản Việt có những bước đi bài bản hơn. Đó cũng là cách Khởi giải cứu nông sản bền vững.
“Ông bụt của người nông dân”- cách gọi đầy trân trọng của nhiều người dành cho Khởi - lại nói giản dị rằng mình xuất thân là nông dân nên hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của người nông dân, sự thua thiệt về kỹ năng và khi không có sự hỗ trợ cần thiết. Vậy nên, Khởi dồn tâm huyết, giúp nông dân có những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế. “Giải cứu nông sản hay trao tặng thực phẩm chưa đủ. Mà phải trao cho người nông dân một giải pháp” - chính trăn trở ấy đã giúp Nguyễn Tuấn Khởi cho ra đời nhiều dự án nông nghiệp, giúp người nông dân đưa sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng một cách hiệu quả.
|
Bình luận (0)