Tiệc cuối tuần

21/10/2012 03:15 GMT+7

Gặp mặt bạn bè để cùng trò chuyện, ăn uống... vào mỗi dịp cuối tuần là một cách để tạo thêm hứng khởi cho tuần mới.

“Bạn bè cùng quê mỗi người học mỗi nơi, lại ở xa nhau nên không thể gặp thường xuyên được, vì thế cứ hai tuần một lần, chúng mình lại hẹn hò nhau gặp mặt, ăn uống liên hoan”, Trung Đức - sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết.

Không chỉ nhóm bạn của Đức, mà với nhiều bạn trẻ, nhất là những sinh viên quê ở tỉnh đang học tập tại TP.HCM, cũng thường xuyên tụ họp, tổ chức ăn uống, “tám” chuyện, xả stress sau một tuần học tập mệt mỏi. Lan Vy, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, kể: “Những buổi tiệc đậm chất sinh viên như vậy, không khi nào thiếu những món đặc sản quê hương. Như Vy ở Quảng Ngãi, nên bàn tiệc của nhóm luôn tràn ngập những món mì Quảng, ốc ruốc...”.

 
Một buổi liên hoan tại nhà của sinh viên - Ảnh: N.T.N

Mỹ Hằng, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, quê Sóc Trăng, kể sau mỗi lần tàn tiệc, hơn 30 thành viên trong nhóm bạn đều cho rằng những lần ăn uống cuối tuần với lẩu mắm, bún cá, tráng miệng với bánh pía sầu riêng... chính là những bữa tiệc “thịnh soạn” nhất từng được tham gia, mặc dù chi phí đóng góp chưa đến 50.000 đồng/người. Bạn gái này nói thêm, có khi mỗi người đem theo một món để góp chung: người đem bánh tráng trộn, người mang trái cây, chả giò, người ủng hộ nước ngọt... khiến không khí buổi gặp mặt thêm rôm rả, phần ẩm thực thêm “hoành tráng”.

Quang Tuấn, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhớ lại: “Mỗi lần liên hoan như vậy, chúng mình không tổ chức ở quán xá rình rang, vì vừa tốn tiền lại khó có thể trò chuyện. Bọn mình thường hẹn nhau ở nơi trọ của một thành viên, đóng góp tiền, bàn luận món ăn rồi mỗi người làm mỗi việc: đi chợ, lặt rau, rửa chén... Lúc làm cũng là lúc hỏi thăm để hiểu nhau nhiều hơn. Chính vì thế, những dịp này là cơ hội kết nối bạn bè thêm gắn bó”.

Mỹ Hằng cũng khoe, dù mỗi người học mỗi trường khác nhau đã hơn 3 năm nay, nhưng nhờ những bữa tiệc cuối tuần như thế này mà tình bạn của họ vẫn thân thiết như thuở còn học phổ thông. Ngoài ra cũng để lại nhiều kỷ niệm khó quên, như có lần nấu bún cá, vì chỉ thường ăn ở quán nên không biết cách nấu thế nào, thế là cả nhóm hì hục lên mạng tìm hướng dẫn mua nguyên liệu, cách nấu.

Mỹ Hằng cảm nhận: “Tự nấu rồi cùng ăn trong tiếng cười vui vẻ, thân thiện của bạn bè, đó là niềm vui thật sự, ai trong nhóm cũng chỉ mong đến cuối tuần để lại gặp nhau”. Không chỉ vậy, theo lời kể, kết thúc tiệc ăn là đến những “tăng hai, tăng ba” với nhiều hoạt động thú vị. Nếu như nhóm của Quang Tuấn tranh thủ lúc nghỉ ngơi để trao đổi, hướng dẫn và chia sẻ cho nhau nhiều tài liệu, kinh nghiệm học tập, thì nhóm của Mỹ Hằng chia thành từng đội, tổ chức thi thố tài năng: chơi cờ ca rô, cờ tướng, xoay rubic...

Vui nhất có lẽ là những bữa tiệc cuối tuần của nhóm bạn Hoàng Khoa, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. “Giới trẻ chúng mình thích hát karaoke lắm, nhưng vì sinh viên không có nhiều tiền để ra quán, vậy là ăn uống no nê xong, cả nhóm ngồi tụ lại, mở máy tính, cùng hát karaoke online. Ai nấy cũng đều thích thú”, Khoa kể.

Có nhiều nhóm bạn đưa hẳn nội quy rượu bia không tốt cho sức khỏe, đặc biệt với sinh viên và đồng ý không sử dụng vào những bữa tiệc này. Theo Khoa, sinh viên học cả tuần, dễ dẫn đến mệt mỏi. Chính vì thế cần tận dụng ngày nghỉ để hẹn hò bạn bè gặp mặt, tâm sự, tổ chức ăn uống để xả stress, tạo niềm hứng khởi để học tốt hơn vào tuần mới. 

Nguyễn Thanh Nam

>> Chờ “đại tiệc hoa”
>> Đại tiệc âm nhạc Nokia Hits Party
>> Mua đồ cho việc đãi tiệc BBQ tại nhà
>> Đại tiệc" món Huế
>> Đại tiệc buffet hải sản tại Cham Charm
>> Bữa đại tiệc pháo hoa thịnh soạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.