Tiếp sức mùa thi

Tiến sĩ ĐH Y Johns Hopkins (Mỹ): Để vững vàng bước chân vào môi trường đại học

Thảo Phương
Thảo Phương
21/04/2024 06:58 GMT+7

Đứng trước ngưỡng cửa bước vào giảng đường đại học, nhiều bạn trẻ phải rời xa vòng tay gia đình để bắt đầu cuộc sống tự lập. Khi thay đổi môi trường sống, học tập, bạn bè, thầy cô…, mọi thứ đều thật mới mẻ và lạ lẫm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly là nhà khoa học cấp cao tại Công ty dược Intellia Therapeutics (Mỹ). Chị từng tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA, Mỹ); nhận bằng tiến sĩ khi mới 29 tuổi; là chủ nhân của nhiều bài báo nghiên cứu khoa học..., chia sẻ những kinh nghiệm nhằm giúp thí sinh vững vàng tâm lý bước chân vào môi trường đại học.

Để dễ dàng thích nghi với môi trường mới

Chị Ly cho biết khi vào đại học, mọi thứ đều phải tự lập, từ việc học cho đến cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa, cuộc sống sinh viên tự do, không bị ba mẹ, thầy cô kèm cặp quá nhiều, do đó việc sống buông thả, sao nhãng việc học là khó tránh khỏi. Là người từng trải, tiến sĩ Ly đưa ra lời khuyên: "18 tuổi đã đủ chín chắn để có trách nhiệm với bản thân, cuộc đời của mình nên phải xác định được đâu là ưu tiên lớn nhất và tự phân bố thời gian cho hợp lý".

Với tiến sĩ Ly, quản lý chi tiêu là kỹ năng cần thiết đối với những bạn trẻ lần đầu tiên sống tự lập

Với tiến sĩ Ly, quản lý chi tiêu là kỹ năng cần thiết đối với những bạn trẻ lần đầu tiên sống tự lập

NVCC

Ở đại học, phương pháp cũng như cách dạy và học đều thay đổi, với tiến sĩ Ly, bí quyết để học tốt khi trở thành sinh viên là phải biết cách sắp xếp thời gian chi tiết, chặt chẽ và rõ ràng. "Phân chia rõ thời gian cho việc học, giải trí và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, bản thân phải chủ động nhiều hơn. Để tránh rơi vào trạng thái áp lực, căng thẳng vì bài vở quá nhiều, bên cạnh việc học cần tham gia các hoạt động giải trí để lấy lại năng lượng, mang đến niềm vui cho bản thân", chị Ly chia sẻ.

Ngoài việc thích nghi với cuộc sống mới, không ít tân sinh viên còn khó thoát ra khỏi nỗi nhớ nhà khi sống xa gia đình. Chị Ly cũng không ngoại lệ: "Thời gian đầu mình rất nhớ nhà, người thân, nhưng tự mình phải đối mặt và vượt qua nó. Bây giờ là thời đại 4.0, nếu nhớ thì có thể gọi điện thoại trò chuyện, nhìn mặt nhau. Đừng để bản thân có nhiều thời gian rảnh mà hãy khiến mình bận rộn".

Hơn nữa, chị Ly luôn nghĩ rằng ở đại học, đa số mọi người đều lần đầu sống xa gia đình và đang tập tự lập giống mình nên sẽ không bị đơn độc. "Thời sinh viên nên có một nhóm bạn thân để cùng nhau chia sẻ. Mọi thứ ban đầu sẽ rất khó khăn, nhưng đã đến lúc các bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn", chị Ly nói.

Những kỹ năng cần có khi bước vào cuộc sống tự lập

Từng trải qua thời sinh viên, chị Ly cho rằng một trong những kỹ năng quan trọng khi bước vào cuộc sống tự lập là biết cách quản lý chi tiêu. "Khi còn ở với gia đình, được ba mẹ chăm lo mọi thứ, không phải lo nghĩ bất cứ điều gì. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc sống sinh viên, các bạn phải tự lo liệu mọi chuyện. Với khoản tiền đó phải chi tiêu tất cả chi phí sao cho hợp lý. Cách của mình là dùng ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại, mọi khoản tiền dù nhỏ vẫn ghi chú lại để dễ kiểm soát".

Chị Ly cho biết thêm ngoài chi phí sinh hoạt, mỗi tháng chị đều dành ra một khoản tiền riêng cho bản thân để thực hiện mục tiêu đã đặt ra. "Không chỉ chi tiêu cho những khoản sinh hoạt phí ở hiện tại mà còn phải đầu tư cho bản thân trong tương lai", chị Ly nói.

Bên cạnh cách quản lý chi tiêu, những kỹ năng mềm mà chị học hỏi được qua các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện hay làm nghiên cứu đã giúp chị thay đổi tích cực và hỗ trợ nhiều trong công việc hiện tại.

"Mình trau dồi được kỹ năng sống, cách giao tiếp, học hỏi được nhiều kiến thức thực tiễn và có thêm năng lượng tích cực. Những điều này giúp mình rất nhiều khi đi làm. Vì vậy, bên cạnh việc học, các bạn sinh viên nên dành thời gian để trau dồi thêm kỹ năng mềm thông qua các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện. Trí tuệ cảm xúc là cái phải được trau dồi qua những trải nghiệm, kết nối, gặp gỡ", chị Ly chia sẻ.

Nói về cách cân bằng thời gian giữa học và tham gia các hoạt động khác, chị Ly chia sẻ: "Quan trọng nhất là phải biết cách quản lý thời gian và xác định được đâu mới là ưu tiên hàng đầu của mình. Thú thật, đôi lúc việc tham gia hoạt động tình nguyện, làm nghiên cứu, đi học có nhiều lúc quá tải khiến mình kiệt sức. Những lúc cảm thấy quá mệt mỏi, mình sẽ ưu tiên bản thân lên hàng đầu, dành thời gian để nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng".

Vấn đề chọn ngành học cũng khiến không ít bạn trẻ trăn trở về việc có nên chọn học ngành mình thích hay chạy theo nghề xu hướng. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chị Ly nói: "Nên biết thế mạnh của mình ở đâu và chọn theo học ngành mà bản thân thích. Nhưng có thể một số bạn muốn theo một ngành nghề gì đó thực tế hơn. Cái đó tùy vào hoàn cảnh mỗi người, nhưng với cá nhân mình sẽ chọn điều bản thân thật sự thích, vì nếu không đam mê thì rất khó giỏi và không thể theo đuổi nó lâu dài".

Chị Ly cũng nhắn nhủ rằng chuyện học là vô cùng quan trọng, nhưng đời sinh viên là thời điểm đẹp của tuổi trẻ, nên hãy tận hưởng mọi thứ và sống hết mình. Đồng thời, dành thời gian trau dồi cả về kiến thức lẫn kỹ năng.

Nói về chương trình Tiếp sức mùa thi ở Việt Nam, chị Ly đánh giá là hữu ích, hỗ trợ được rất nhiều cho thí sinh. "Mình có một đề xuất nho nhỏ là trong thời gian cuối chuẩn bị bước vào kỳ thi, các thí sinh rất căng thẳng. Vì vậy, nếu có thêm những chương trình tiếp sức về tinh thần để giúp các bạn thoải mái đầu óc, được thư giãn sau những giờ ôn tập mệt mỏi thì thật tốt", chị Ly bày tỏ.

Một số thành tích nổi bật của tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly

Tốt nghiệp thủ khoa Summa Cum Laude (bằng danh dự xuất chúng mức cao nhất theo hệ thống giáo dục Mỹ - PV) ngành sinh học, minor y học tiến hóa, Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA).

Được 8 trường ĐH hàng đầu ở Mỹ mời phỏng vấn tiến sĩ.

Học bổng toàn phần tiến sĩ ngành y sinh của ĐH Y Johns Hopkins (top 1 bệnh viện nghiên cứu của thế giới).

Từng là thực tập sinh cho Tập đoàn Novartis, tập đoàn y dược lớn thứ 2 thế giới và tiên phong trong lĩnh vực chữa ung thư bằng liệu trình tế bào.

Nguyễn Thị Sao Ly là 1 trong 20 nhân vật của cuốn sách Rạng danh tài trí Việt năm châu.

Chủ nhân của nhiều bài báo khoa học quốc tế.

Tiến sĩ ĐH Y Johns Hopkins (Mỹ): Để vững vàng bước chân vào môi trường đại học- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.