Tiếng chuông năm tháng ngân dài...

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
23/05/2020 08:12 GMT+7

Từ ngã ba Lê Hồng Phong để ra đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM), đôi lần tôi dừng lại chụp mấy tấm hình bảo tháp Việt Nam Quốc Tự trong đêm.

Chợt nghĩ đến một dòng chảy lịch sử và hiện tại đan xen. Q.10 là nơi gần 190 năm trước đã xảy ra vụ án từng kinh động một triều đại!

Lung linh quốc tự

Nếu như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc uy nghiêm với nhang trầm tỏa khói ngày đêm ngay chính sảnh, thì Việt Nam Quốc Tự là một biểu tượng độc đáo bởi ngôi bảo tháp lung linh về đêm. Suốt hơn 55 năm qua kể từ khi được xây dựng, ngôi bảo tháp dường như là chứng nhân cho bao thăng trầm thế sự. Đặc biệt, những biến động của Sài Gòn từ năm 1964 - khi ngôi chùa này được đặt viên đá đầu tiên - cho đến năm 1975, là một chương “kịch tính” nhất khi nhắc đến lịch sử miền Nam một giai đoạn.
Việt Nam Quốc Tự khi xưa tọa lạc trên khu đất rộng 4,5 mẫu do chính quyền Sài Gòn cấp, và kiến trúc sư danh tiếng Ngô Viết Thụ vẽ đồ án thiết kế, với đặc trưng của một công trình mang dấu ấn kiến trúc Phật giáo, có ý nghĩa tôn vinh những giá trị tinh thần tâm linh trong đời sống người dân Sài Gòn. Nhưng rồi theo thời gian và biến động lịch sử, khu đất này đã bị thu hẹp lại rất nhiều.

Ngôi bảo tháp Việt Nam Quốc Tự lung linh về đêm, nhìn từ phía đường Lê Hồng Phong

Ảnh: Trần Thanh Bình

Vào đầu năm 2008, khi một tập đoàn của Malaysia được cấp phép đầu tư một dự án ở khu vực Kỳ Hòa, và có tin đồn sẽ gây ảnh hưởng đến ngôi chùa độc đáo có dáng dấp cổ kính này, tôi đã đi tìm hiểu. Qua bao nhiêu cửa, rốt cuộc tìm được bản đồ quy hoạch và bản phối cảnh của dự án, được gọi là Trung tâm tài chính Việt Nam, với nguồn vốn đầu tư 930 triệu USD (khoảng 20.000 tỉ đồng). Đồ án khoanh một vùng diện tích 6,6 ha, để xây dựng một tổ hợp đa chức năng với 6 khối cao ốc, trong đó 5 cao ốc cao 48 tầng. Tuy nhiên, theo các hồ sơ ấy, dự án không ảnh hưởng đến ngôi chùa có bề dày hơn nửa thế kỷ.
Điều đặc biệt là một số dự án khác với quy hoạch bề thế của tập đoàn này tại TP.HCM cho đến nhiều năm sau này, không hiểu vì lý do gì, cũng không thực hiện được. Còn ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự, mấy năm sau lại tiếp tục được tôn tạo, xây dựng thêm ngôi bảo tháp cao 13 tầng, kế cận những công trình tồn tại trước đó.
Tiếng chuông năm tháng ngân dài...

Việt Nam Quốc Tự thuộc Q.10

Ảnh: Ngọc Dương

Vụ án con nuôi đức tả quân

Thành Phiên An Gia Định do Đức Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng xong năm 1830 lúc đang giữ chức tổng trấn. Người con nuôi của ông, nguyên có họ tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Khôi, vốn người Cao Bằng, được Lê Văn Duyệt thu nạp lúc ông còn làm quan Kinh lược ở đất Thanh Hóa, nhưng sau đó được đổi họ thành Lê Văn Khôi. Sau khi cùng vào Nam với Lê Văn Duyệt, được phong chức phó vệ úy trong quân. Vào thời điểm thành Phiên An xây xong, thì Lê Văn Duyệt đã mất.
Sau đó 3 năm, Lê Văn Khôi vì phẫn uất bởi việc các quan nhậm chức kế nhiệm phụng mật chỉ nhà vua truy xét vụ án của cha nuôi, nên đã khởi xướng cuộc nội loạn gây ra biết bao khó khăn cho triều đình nhà Nguyễn.
Sử cũ chép lại, những năm ấy, từ 1833 - 1835, quan vệ úy Lê Văn Khôi, lúc này đã tự phong là đại nguyên súy, ra sức cố thủ để chống lại quân triều đình. Trong nhiều lần chiến đấu, thành Phiên An khá kiên cố, nên vẫn trụ vững. Đến khi vua Minh Mạng phái một đạo quân dưới sự chỉ huy của 5 viên tướng, trong đó có 2 vị được phong chức Thảo nghịch tả tướng quân và Thảo nghịch hữu tướng quân chỉ huy một đội thủy bộ tượng binh hùng hậu kéo vào đánh, thành mới bị vỡ. Những kẻ tạo phản dưới trướng Lê Văn Khôi khi ấy bị bắt giết và chôn vào một nơi, sau này dân gian gọi nơi ấy là “mả ngụy”. Rồi theo thời gian, nơi đây trở thành vùng đồng cỏ nuôi ngựa. Cho đến những năm giữa thế kỷ 20, nhiều dòng người nhập cư đến lập nên phường phố, trở nên đông đúc tấp nập. Khu vực ấy, được xác định vị trí là thuộc địa bàn Q.10, cho đến ngày nay.
Vụ án về Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, vốn là công thần dưới triều vua Gia Long, vẫn được đề cập đến trong chương trình lịch sử trước năm 1975, mô tả về ông vang danh một thời với nhiều chiến công hiển hách. Sau này khi lục tìm thêm sách của các vị học giả, mới biết sâu hơn dòng chảy lịch sử của đất phương Nam, ghi đậm dấu ấn tên tuổi những người một thuở đi mở đất. Chính họ là nhân vật trong nhiều câu chuyện, bi thương có, hùng tráng có. Những trang sử ấy như còn âm vang trên mỗi con đường, nơi mỗi ngày mưa nắng đi qua.

Hiện diện lịch sử

Ở Q.10, một con đường rộng giáp với Q.3 được đặt tên vị vua đầu tiên của nhà Lý, đã từng dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, là vua Lý Thái Tổ. Nhưng điều rất thú vị là Q.10 cũng có tên đường Sư Vạn Hạnh và một vài địa danh mang tên vị thiền sư này. Sở dĩ có mối dây liên kết như vậy, bởi thiền sư Vạn Hạnh chính là thầy dạy học của Lý Công Uẩn, tên thật của vua Lý Thái Tổ, mà trong sử sách còn ghi lại nhiều câu chuyện mang tính chính sử thú vị xen lẫn các giai thoại. Chợt nghĩ, sự sắp xếp ngẫu nhiên hay cố ý của những con đường có “điểm chung” của từng triều đại trong lịch sử ấy, là một điều rất hay cho các thế hệ sau này và nhờ thế, thường tạo ra sự liên tưởng rất có ý nghĩa.
Bây giờ, sau 51 năm được thành lập kể từ năm 1969, Q.10 vẫn là một quận trung tâm, đầu mối giao thương tỏa đi các hướng của một khu vực nội thành rộng lớn của Sài Gòn, với các quận có tiềm lực mạnh liền kề như Q.Tân Bình phía bắc, Q.3 phía đông, Q.11 phía tây và Q.5 phía nam. Sự biến động bởi các đợt nhập cư từ nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử đã tạo ra một nét đặc thù khó lẫn. Đó là sự phân bổ cư dân không được đồng đều giữa các khu vực thuộc các phường.
Một đoạn nhận định từ bản giới thiệu về Q.10 tôi chú ý đọc cách đây 2 năm cho thấy điều đó: “So với các quận nội thành thì dân cư Q.10 phân bổ không đồng đều, phần lớn người lao động sống trong các chung cư như Ấn Quang, Nguyễn Kim. Mật độ dân số qua các cuộc điều tra có khi chênh nhau hơn cả 10.000 người/km2, ví dụ như ở P.3 và P.7. Các khu phố lao động chật chội tập trung trong các hẻm nhỏ chằng chịt ở khu Hòa Hưng, Ngã bảy chuồng bò, xóm Bình Khang, khu tạm cư Petrus Ký. Một số không ít cư trú tại các khu cư xá, trại gia binh cũ như Thiên Hộ Dương, Tây Sơn, Triệu Đà, Đống Đa…”
Đó chính là nét quần cư đặc biệt. Trên hành trình phát triển, nếu để ý sẽ thấy ở mỗi vùng đất của thành phố rộng lớn này đều có những dấu ấn như vậy. Hợp lại nhiều yếu tố, nhờ đó Sài Gòn mang một bản sắc riêng!
Q.10 có 15 phường là đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó P.14 là trung tâm của quận với tuyến đường chính đóng “bản doanh” quận mang tên vua Thành Thái. Quận có diện tích tự nhiên 5,72 km2, rộng đứng thứ 5 trên các quận 3, 4, 5 và Phú Nhuận. Dân số có 234.000 người với mật độ 41.000 người/km2. Q.10 có 55 trục đường chính, có nhiều địa điểm tham quan di tích lịch sử văn hóa và công trình tôn giáo.
Thành Phiên An (tức thành Gia Định) là thành của ông Lê Văn Duyệt xây xong năm Minh Mạng thứ 11 (1830). Xây toàn bằng đá ong, thành cao và rộng, hào sâu. Ở trong thành có đủ cả lương thực khí giới, cho nên quan quân đánh lần nào cũng bị chết hại nhiều người, mà không lấy được. Mãi đến tháng 7 năm Ất Tị (1835), quân ngụy ở trong thành mỏi mệt lắm rồi, tướng quân là Nguyễn Xuân và Nguyễn Văn Trọng mới hạ được thành và vào bắt giết cả thảy 1.831 người, đem chôn vào một chỗ, nay gọi là “mả ngụy”. Còn những người thủ phạm thì đóng cũi đem về kinh trị tội .
(Theo Việt Nam Sử Lược, bản đặc biệt, NXB Kim Đồng, trang 451)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.