Tiếng kêu cứu từ sông Mã: Dân kiệt sức vì cá bỗng nhiên chết hàng loạt

10/04/2021 14:28 GMT+7

Chưa bao giờ người nuôi cá lồng trên sông Mã ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa) lại phải vật vã để cứu cá như gần 1 tháng qua. Nước sông màu đen, bốc mùi hôi tanh bất thường - là lúc thủy sản trên sông chết trắng.

Quay cuồng "chạy cá" trong tuyệt vọng

Trong các ngày 9 - 10.4, phóng viên Thanh Niên đã khảo sát nhiều xã dọc sông Mã trên địa bàn huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) để ghi nhận tình trạng các loài thủy sản, đặc biệt là cá lồng của người dân chết trong thời gian qua.
Thủy sản trên sông Mã vẫn tiếp tục chết. Người nuôi cá lồng đã quá mệt mỏi, kiệt sức vì quay cuồng gần 1 tháng qua để cứu cá nhưng bất lực.
Sáng 10.4, ở khu vực gầm cầu Hón La (thuộc bản Giổi, xã Ái Thượng, H.Bá Thước), hàng chục lồng nuôi cá mới được người dân kéo từ sông Mã (từ sông Mã vào cầu Hón La khoảng 400 m) vào đây để mong những con cá cuối cùng thoát chết. Tuy nhiên, số phận những lồng cá này cũng chưa biết sống sót được đến khi nào.

Người dân di chuyển các lồng cá từ sông Mã vào khe suối, cách khoảng 400 m nhưng nước sông vẫn xâm lấn vào và cá vẫn tiếp tục chết

ẢNH MINH HẢI

Quanh các lồng cá, hàng chục người dân vẻ mặt lo lắng, nhốn nháo kéo dây dẫn nước, trực máy bơm để liên tục xối nước vào lồng cá tạo ô xy cho cá thở. Những con cá ngột ngạt trong chiếc lồng nhỏ, vùng vẫy yếu ớt giữa nguồn nước màu đen, cũng chẳng khác những gì mà gần 1 tháng qua người nuôi cá lồng ở H.Bá Thước chịu đựng, rồi dần tuyệt vọng.
Người dân cho biết, gần tháng qua, họ đã “chạy cá” hàng chục lần. Cứ vài hôm lại kéo lồng cá từ sông Mã vào trong các khu vực khe, suối rồi lại kéo ra sông. Tuy nhiên, khi người dân kéo lồng cá vào các con suối để lánh nạn cho cá, nước sông Mã cũng dâng lấn vào.
Gia đình ông Trần Văn Trường (48 tuổi, ngụ bản Giổi, xã Ái Thượng) nuôi cá lồng gần 10 năm qua, nhưng đây là đợt đầu tiên cá chết kéo dài khiến gia đình ông kiệt quệ.
“Gia đình tôi nuôi 2 lồng cá, mỗi lồng hơn 100 con.Trước đây, nhà có 3 sào ruộng, nhưng thuộc vùng ngập của lòng hồ thủy điện đã không còn trồng được lúa, nên gần 10 năm nay kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề nuôi cá lồng.
Trước đây, chỉ khi có lũ lụt lớn cá mới chết, giờ không lũ lụt, không bệnh tật cá cũng chết. Không chỉ thiệt hại kinh tế, mà đáng lo hơn là không biết nghề nuôi cá lồng có tồn tại được nữa không", ông Trường nói trong tuyệt vọng.

Cá trắm nuôi lồng chết liên tục trong thời gian qua khiến người dân kiệt quệ, tuyệt vọng

ẢNH MINH HẢI

Ông Trường cho biết thêm, 2 lồng cá của gia đình ông gần 1 tháng qua chết lẻ tẻ nhiều đợt, đến ngày 9.4 chỉ còn vài chục con sót lại, nên ông đang cố gắng bơm nước tạo ô xy cầu mong cá sống được ngày nào hay ngày đó. Cá của gia đình ông Trường nuôi là cá trắm, đã lớn từ 3 - 5 kg, nhưng thời điểm này muốn bán cũng không ai mua, do người dân biết hiện tượng cá chết chưa rõ nguyên nhân nên sợ không dám ăn.
Phóng viên tiếp tục xuôi xuống vùng hạ du sông Mã, đoạn qua xã Lương Ngoại (H.Bá Thước). Hơn 20 lồng cá của người dân bản Măng (xã Lương Ngoại) nuôi ở lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 cũng chỉ còn sót lại vài lồng còn cá.
Đa phần cá đều đã chết, còn sót lại vài lồng do người dân nhanh chân đưa cá vào các ao, hồ lánh nạn, rồi vài ngày lại đưa ra lồng nuôi ở lòng hồ, vì để lâu trong ao hồ, mực nước thấp cá cũng khó sống.

Không chỉ cá nuôi lồng, cá tự nhiên trên sông Mã cũng chết rất nhiều và kéo dài gần 1 tháng qua

ẢNH MINH HẢI

Anh Trương Văn Hoàng (44 tuổi, ngụ bản Măng, xã Lương Ngoại) những ngày qua đã quá mệt mỏi khi phải túc trực ngày đêm trông cá. Mỗi khi thấy cá có hiện tượng bất thường, anh Hoàng lại hô hoán người thân bắt cá vào các ao lánh nạn.
“Tôi nuôi 2 lồng, nhưng giờ chỉ còn 1 lồng còn cá. Cá trắm nuôi đã lớn từ 2 - 3 kg. Từ giữa tháng 3 đến nay, cá chết nhiều lần, cũng gần hết rồi. Giờ còn mấy chục con, cũng phải canh để nếu có gì bất thường, lại đưa cá vào trong ao. Đưa vào ao cũng chỉ là tạm thời thôi, vì để trong ao cá không lớn được, nước không đủ sâu, không hợp với môi trường sống”, anh Hoàng nói.
Không chỉ người nuôi cá lồng ở xã Lương Ngoại, Ái Thượng mà ở các xã Hạ Trung, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và TT.Cành Nàng của H.Bá Thước cũng đang quay cuồng, kiệt sức để cứu vớt những con cá cuối cùng.

Người nuôi cá lồng trên sông Mã thất thần, bất lực nhìn cá chết

ẢNH MINH HẢI

Nước sông Mã đổi màu đen, bốc mùi hôi tanh gần 1 tháng qua

Dù chưa có cơ quan chức năng nào của tỉnh Thanh Hóa khẳng định nguyên nhân các loài thủy sản trên sông Mã chết có phải do ô nhiễm nguồn nước hay không, chỉ biết cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa khi xét nghiệm mẫu cá chết đã khẳng định cá chết không phải do dịch bệnh.
Còn đối với người nuôi cá, khi phóng viên hỏi thì tất cả họ đều cho rằng chính nguồn nước sông Mã đã bị ô nhiễm, và đó là nguyên nhân khiến cá chết. Nhận định của người dân mới chỉ bằng kinh nghiệm, và bằng quan sát trực quan nhưng cũng là điều đáng quan tâm để cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra nguyên nhân.
Anh Trần Văn Lập (39 tuổi, ngụ thôn Giổi, xã Ái Thượng) là người nuôi cá lồng 5 năm qua, khi nói về nguyên nhân, anh Lập quả quyết rằng do nguồn nước sông Mã bị ô nhiễm khiến cá chết, chứ không phải do cá bị nhiễm bệnh gì cả.

Nước sông Mã đổi màu đen bất thường, bốc mùi hôi tanh trong gần 1 tháng qua

ẢNH MINH HẢI

“Bình thường nước sông Mã đoạn chảy qua H.Bá Thước mùa này trong xanh, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, nước đổi màu đen, mùi hôi tanh kinh khủng. Chúng tôi múc nước còn khó ngửi, thì sao cá sống được. Dân thì chỉ biết nhìn nhận bên ngoài, chứ cũng không có điều kiện mà đi phân tích coi nước có thành phần gì, thành phần nào khiến cá chết”, anh Lập nói.
Theo thống kế của UBND H.Bá Thước, từ ngày 15.3 - 8.4, đã có gần 12,4 tấn cá lồng chết và gần 400 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được.
Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: đợt 1 từ ngày 15 - 20.3; đợt 2 vào ngày 26.3; đợt 3 vào ngày 30.3; đợt 4 từ ngày 4 - 9.4 và cá vẫn đang tiếp tục chết.
Cá chết tập trung ở các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và TT.Cành Nàng của H.Bá Thước.

Hơn 12 tấn cá lồng của người dân nuôi trên sông Mã đã chết

ẢNH MINH HẢI

Cũng theo UBND H.Bá Thước, những ngày xuất hiện hiện tượng các loài thủy sản chết, nước trên sông Mã đều đổi từ màu xanh bình thường sang màu đen bất thường, có mùi hôi tanh.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND H.Bá Thước, cho biết trước mắt, UBND huyện quyết định hỗ trợ người dân 20.000 đồng/1 kg cá chết. Chính quyền huyện cũng đang tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thêm cho người dân để người dân bớt thiệt hại.
Ngoài ra, ngày 9.4, UBND H.Bá Thước đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở sản xuất có thải nước thải ra sông Mã để xem các doanh nghiệp có xả nước thải chưa quả xử lý ra sông Mã gây ô nhiễm nguồn nước hay không.

Đề nghị thủy điện xả nước

Liên quan đến tình trạng thủy sản trên sông Mã chết kéo dài gần 1 tháng qua, trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND H.Bá Thước, cho biết ngày 9.4, ông đã liên hệ với lãnh đạo Thủy điện Bá Thước 2 (thủy điện trên sông Mã, đoạn qua xã Điền Lư, H.Bá Thước) bàn về vấn đề xả nước như một cách thử xem có giải quyết được tình trạng thủy sản trên sông Mã chết thời gian qua hay không.
Tuy nhiên, ông Khoa cho biết, Thủy điện Bá Thước 2 chỉ xả nước khi Thủy điện Trung Sơn (thủy điện đầu nguồn sông Mã, ở H.Quan Hóa, Thanh Hóa) xả nước. Vì đó là quy trình xả lũ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND H.Bá Thước đang đề nghị phương án xả nước hồ thủy điện xem có chấm dứt được tình trạng cá chết hay không

ẢNH MINH HẢI

Cũng theo ông Khoa, UBND H.Bá Thước đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét về việc yêu cầu thủy điện xả nước, đồng thời đề nghị nếu trong thời gian tới, phát hiện đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nào xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã, gây ô nhiễm môi trường thì đóng cửa vĩnh viễn chứ không thể xử phạt hành chính rồi lại tái phạm.
“Ngày 9.4, UBND huyện cũng đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải ra sông Mã trên địa bàn huyện. Nếu phát cơ sở nào gây ô nhiễm, sẽ đề nghị tỉnh dừng hoạt động vĩnh viễn. Trước mắt, huyện đã quyết định hỗ trợ 20.000 đồng/1 kg cá chết cho người dân và đang tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm”, ông Khoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.