Tiếng nước non nhà

30/08/2020 07:02 GMT+7

Tuổi thơ ít ngủ, tôi thường tỉnh giấc sau một, hai trộ tiếng gà sớm. Có những ngày mùa đông sũng trời mây xám, vừa hé mắt ra tôi đã thấy mệ nội tôi lụm khụm ngồi bên trách than nóng gần giường.

- Dậy chi sớm rứa con? Mới độ chuông Thiên Mụ chơ mấy.
Tôi không biết vì răng cái câu ấy của mệ nội lại làm tôi nhớ mãi được. Đến khi mệ tôi về sau núi cũng lâu, trong một sớm kỵ mệ, ba tôi vô tình nhắc:
- Hồi xưa, đoạn bốn giờ như ri là trên Thiên Mụ mấy thầy đã gióng chuông rồi. Mà tiếng chuông Thiên Mụ vang lắm con, nhà mình ở đây mà cũng nghe. Mệ hay dậy giờ nớ, lặm cặm lụi cụi sau bếp nấu nước chè rồi quét sân quét cươi.
Ngẩn đi một chút như nhớ ra điều gì đó, ba chợt bâng quơ:
- À, cũng không biết từ khi mô mà không còn nghe lại nữa. Mạ bây hè?
Mẹ tôi cũng nhớ ra:
- Hồi xưa còn ở bên nhà sớm mô cũng nghe. Về đây làm dâu mấy năm cũng còn nghe, mà cũng có hai chục năm ni im hơi rồi.
Bây chừ nhớ lại, qua những câu chuyện vụn vặt đã in hình trong tâm trí tôi ở tuổi lên năm lên ba, tôi nghiệm ra rằng với lớp người xưa cũ như mệ nội rồi ba mạ tôi, tiếng chuông Thiên Mụ là tiếng nước non thiêng liêng muôn thuở. Mọi sự kiện đều có hồi chuông này làm chứng. Nuôi giấc ngủ trẻ dại của tôi cũng có tiếng chuông tuy vô hình nhưng vang lộng và yên bình ấy. Lớn một chút, ôn nội tôi dạy cho tôi đọc thơ xưa, không hiểu răng cứ mỗi lần đọc Phong Kiều dạ bạc, tôi cứ ám ảnh mãi tiếng chuông Hàn San tự là tiếng chuông Thiên Mụ còn đọng ánh trăng. Đẹp thoát tục tựa hồ một vầng cổ thi, tiếng chuông Thiên Mụ đã làm cho khói sóng Hương giang vừa diễm tình vừa thấm đẫm phong vị thiền tịch.
Lớn lên thêm nữa, ngày chưa xa rời Huế, mỗi sớm chiều đi ngang qua Thiên Mụ vô tình gặp một tiếng chuông cổ kính thâm u, tôi lại bâng khuâng ngó lên mây trời. Tôi cứ nghe như có tiếng gọi từ xa xăm nào đó. Hay đúng hơn là một dự cảm, dự cảm tôi xa rời Huế. Rồi cứ khi trời mờ hơi đất, trong mộng mị còn lưa, tiếng chuông thâm trầm vô hình vô tướng lại làm cho tôi yên lòng hơn, bớt bất an hơn.
Một chuyện thật xưa rằng, sau một buổi trầm ngâm chấm số tử vi, ôn nội tôi coi ra tôi có “căn tu” lắm. Nhưng làm răng để toàn vẹn lại bản tính đây, khi mà tôi đã nhiễm đủ ân oán, buồn vui của tục lụy đến xương tủy mất rồi. Nếu tôi tắm nước sông Hương ở trước chùa Thiên Mụ, rồi mỗi ngày nghe đủ một trăm linh tám hồi chuông trong một ngàn năm mới họa may gột sạch được tội nghiệp của thân này.
Chiều trước ngày rời Huế, tôi còn lên Thiên Mụ nhìn mây trắng lồng lộng, ngồi nghe hoàng hôn vô ngôn tím nao lòng sông Hương như một lời tiễn biệt. Chỉ có một mình với muôn vàn kỷ niệm.
Căn gác tôi trú tạm ở đây nằm lưng chừng một dải đồi con lô xô và xung quanh có đến tám ngôi chùa lớn nhỏ. Nhiều giờ khắc mờ sáng như trong tuổi thơ giữa xứ Huế thương nhớ của tôi, sau ca đêm trở về, qua trập trùng dốc, ngang vườn hoa mơ trắng mơ hồng, tuyết trắng phả đầy mặt bám đầy tóc, cảm động run người khi đột ngột thấy tiếng chuông sớm công phu. Tôi như tỉnh như mê dừng chân đứng lại, đếm thật kỹ từng một tiếng chuông, lắng tai thật kỹ hầu tìm lại chút thanh bình như tiếng chuông chùa nơi cố quận.
Có những ngày tôi ngây ngây cơn sốt, buồn bã trong nỗi nhớ điên đầu, tiếng chuông Thiên Mụ từ trong tâm tưởng bỗng hiền từ vang lên để rồi biết mấy đắng cay, buồn tủi đang đong đầy cũng nguôi dần đi.
Tiếng chuông Thiên Mụ, với những người Huế xa xứ như tôi - những người sâu đậm căn tính hoài niệm khi mà thời gian và tâm thức dường như luôn ngưng đọng giữa lưng chừng thương nhớ, đã trở thành giọng nói từ tiền kiếp của nguyên quán, của thân phận. Tiếng non nước bản quán ấy níu kéo lại niềm thương lá xa cành lìa cội trong nhau giữa những con người Huế, những giọt máu Huế đậm đà tình quê mẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.