Tiếng Việt công nghệ giáo dục: tranh cãi vì đâu?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
01/09/2018 08:18 GMT+7

Dư luận mấy ngày nay xôn xao về một clip dạy đánh vần 'lạ' thật ra là của chương trình công nghệ giáo dục đã tồn tại mấy mươi năm qua.

Tài liệu dạy tiếng Việt lớp 1 của công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) đến nay tròn 40 năm ra đời nhưng chỉ tính riêng 5 năm gần đây, dưới hai thời bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì cách đánh giá, nhìn nhận về tài liệu này đã có những sự thay đổi đáng kể.
2016: Rất tốt, 2017: thẩm định lại !
40 năm “thăng trầm” công nghệ giáo dục
Năm 1978, tài liệu TV1-CNGD được khuyến khích các địa phương sử dụng, coi như một giải pháp để dạy học tiếng Việt.
Đầu những năm 2000, khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được áp dụng, với chính sách 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, tài liệu này không được mở rộng nữa mà chỉ được thí điểm trong phạm vi rất hẹp.
Năm 2006, triển khai trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số và 2 năm sau đó được thí điểm trong khoảng 20 tỉnh.
Đến năm 2012, bỏ thí điểm, mở rộng phạm vi áp dụng.  
Năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tài liệu đã được thẩm định lại tới 2 lần. Lần gần đây nhất là cuối tháng 7 vừa qua.
Năm học 2012 - 2013, nhiều nhà báo và nhà giáo dục đã dùng từ “hồi sinh” khi nói về TV1-CNGD dưới thời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khi nó được triển khai nhân rộng trên khoảng 47 - 48 tỉnh trong cả nước, đồng thời quyết định thành lập Trung tâm CNGD, trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục VN. Giám đốc Trung tâm CNGD chính là cha đẻ của CNGD, GS Hồ Ngọc Đại.
Từ năm học 2012 - 2016 có lẽ là giai đoạn “hồi sinh” mạnh mẽ nhất của CNGD. Tổng kết năm học 2015 - 2016, đánh giá về tài liệu này của Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT ghi nhận đầy lạc quan: Dạy học môn TV1- CNGD làm thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên (GV) và phương pháp học của học sinh (HS). Học TV1-CNGD giúp HS nắm chắc kiến thức ngữ âm tiếng Việt, luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ. Chất lượng môn tiếng Việt lớp 1 được nâng cao.
Năm học 2015 - 2016, môn TV1-CNGD đã được triển khai tại 23.336 trường của 47 tỉnh cho 583.838 HS. Các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kiên Giang triển khai dạy TV1-CNGD cho 100% HS lớp 1. Điều này đã chứng minh tính hiệu quả và tính khả thi của môn TV1-CNGD đối với giáo dục tiểu học.
Tuy nhiên, đến năm 2017, dưới thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017 thì những đánh giá của Bộ GD-ĐT về việc chỉ đạo thực hiện dạy học TV1-CNGD đã thận trọng hơn rất nhiều dù năm học 2016 - 2017, cả nước có 48 tỉnh, TP đã triển khai dạy học môn TV1-CNGD với 7.857 trường và 693.0478 HS tham gia.
Vẫn nhìn nhận dạy và học TV1-CNGD đã làm thay đổi phương pháp dạy và học của GV, HS và là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môn tiếng Việt cho HS, nhất là HS vùng dân tộc thiểu số; tuy nhiên Bộ cũng cho rằng việc triển khai dạy học theo TV1-CNGD ở một số địa phương còn bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, một số ngữ liệu chưa phù hợp với tâm sinh lý HS lớp 1...
Để khắc phục tình trạng trên và để đạt được kết quả tốt, Bộ GD-ĐT đã giao Viện Khoa học - Giáo dục VN tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai để có hướng chỉ đạo trong thời gian tới. Từ kết quả khảo sát, đánh giá, Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng thẩm định quốc gia và tổ chức thẩm định bộ tài liệu TV1-CNGD. Theo kết luận của hội đồng thẩm định, NXB Giáo dục VN đã chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh và trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ.

Tiếng Việt công nghệ giáo dục: tranh cãi vì đâu ?
Chương trình tiếng Việt - công nghệ giáo dục hiện triển khai ở gần 50 tỉnh thành Ảnh: Ngọc Dương

Sự khác nhau giữa 2 cách học tiếng việt
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, người được giao làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu TV1- CNGD, điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, nhìn nhận: So với cuốn sách tiếng Việt đại trà thì cách tiếp cận của TV1-CNGD có nhiều điểm khác biệt, trong đó có cách dạy đánh vần.
Tài liệu TV1-CNGD dạy đánh vần dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc âm tiết tiếng Việt và sử dụng các khái niệm, các thuật ngữ ngữ âm học, như nguyên âm, âm đệm, âm cuối. Nó cũng phân biệt rạch ròi giữa âm và con chữ. Sự phân biệt đó xét về phương diện khoa học là hoàn toàn đúng đắn. Việc có cần phân biệt như vậy khi dạy đánh vần cho HS lớp 1 hay không là vấn đề gây tranh cãi. Dù vậy, ông Hùng khẳng định: “Trên thực tế nó cũng có hiệu quả nhất định và chúng ta không nên phủ nhận”.
Cũng theo ông Hùng, sách Tiếng Việt lớp 1 đại trà ưu thế hơn về phát triển các kỹ năng một cách toàn diện: đọc thành tiếng, viết chính tả, đọc hiểu, nói nghe... Nhưng riêng kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả thì cuốn TV1-CNGD có ưu thế rất nổi bật.
Từ so sánh ấy, ông Hùng nêu quan điểm: “Mỗi cuốn sách có ưu thế của nó, tôi không cho TV1-CNGD là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, đó là giải pháp đáng ghi nhận, tạo ra sự phong phú trong cách tiếp cận thì tôi nghĩ nên khuyến khích những cách triển khai như vậy”.
Với tư cách là người xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, ông Hùng cho hay trong chương trình môn tiếng Việt - ngữ văn mới sắp ban hành chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Chương trình không bắt buộc HS phải được học theo phương pháp nào.
Ông Hùng cũng cho rằng không nên quan niệm HS trên cả nước phải học một tài liệu duy nhất theo một cách đánh vần duy nhất. Quan điểm đó là xưa cũ, không phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại. “Câu trả lời chính xác nhất là từ thực tiễn. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói từ thực tế, tiếng nói của GV, HS”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ý KIẾN
Thực tế hai cách đánh vần là một
Cách đánh vần theo CNGD và cách trước giờ cơ bản không khác nhau nhiều, đều là đánh vần theo âm. Khi đó, chữ c/k/q đều có âm “cờ”. Thực tế trong nhà trường trước giờ không có quy định nào về cách đánh vần nhưng thầy cô giáo vẫn dạy đánh vần theo âm. Nếu so với cách đánh vần của sách CNGD thì có khác nhau một chút nhưng thực tế đều là một. Cái khác trong thực tế chỉ là sự “giả tạo” xuất phát từ nhu cầu phân biệt để tránh viết sai chính tả mà thôi.
Tiến sĩ Hoàng Dũng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Không khó khăn gì cho học sinh
Cách đánh vần theo CNGD theo tôi hợp lý và giúp HS lớp 1 nhanh chóng nắm được việc ghép vần. Khi đánh vần thì đọc theo âm (chủ yếu là phụ âm, vì nguyên âm không có vấn đề gì). Trước đây đã có lúc chúng ta dạy cho trẻ đánh vần theo tên con chữ nên trẻ lúng túng. Các nguyên âm đôi iê, ươ, uô trước đây đọc rời từng nguyên âm (chẳng hạn: liên: i - ê - nờ - iên - lờ - iên - liên) nay đọc ghép lại iê - nờ - iên - lờ - iên - liên gọn hơn.
PGS-TS Lê Khắc Cường (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Học sinh lứa đầu tiên học công nghệ giáo dục nói gì ?
Là học trò Trường thực nghiệm khóa đầu tiên, tôi khẳng định cách học tiếng Việt của trường có sự khác biệt. Khi các bạn học đánh vần từng từ thì chúng tôi học thơ lục bát. Chúng tôi học âm trước, đến chữ rồi mới ghép vần. Nên cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên. Mỗi chữ cái đều có tên gọi. Ví dụ “C” ta đọc là “xê” (vitamin C) đó là tên của chữ cái đó nhưng âm phát ra khi đọc nó là cờ. Đó chính là sự khác biệt giữa âm và chữ. Để dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: Chữ Q và K tên của nó là quy và ca nhưng âm của nó phát ra khi ghép vào từ thì vẫn là cờ... Đấy là về mặt nguyên lý khoa học, còn về thực tế thì chúng tôi - những HS “ái hữu thực nghiệm” - là những bằng chứng rõ ràng nhất.
PGS Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội)
Học sinh hiếm khi sai lỗi chính tả
Với môn tiếng Việt của lớp 1, chúng tôi chọn phương pháp của CNGD. Tôi không biết ở những nơi khác như thế nào nhưng với HS dân tộc, nhất là HS dân tộc thiểu số thì việc học tiếng Việt gần như là việc học ngôn ngữ thứ hai của các em. Thực tế này khiến cho việc dạy tiếng Việt rất vất vả nếu dạy theo cách đại trà. Trong khi đó, khi thí điểm áp dụng TV1-CNGD thì các em nắm rất chắc về ngữ âm, học đến đâu chắc đến đó, rất hiếm khi HS sai lỗi chính tả. Lào Cai áp dụng TV1-CNGD với gần như 100% HS không có nghĩa là chúng tôi phê phán chương trình đại trà. Nhưng với mục tiêu là vì HS nên chúng tôi chọn một phương pháp phù hợp với HS của mình.
Trần Thị Minh Thu (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Lào Cai)
Hà Ánh - Tuyết Mai (ghi)

Cũ, mới gì cũng phản ứng, tại sao?
Dường như dư luận xã hội (thông qua mạng xã hội) ngày càng “phản ứng nhanh” với cái khác biệt. Đáng buồn là không phải phản ứng nào cũng dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc lý luận thực tiễn mà nhiều khi chỉ phản ứng vì nó không giống với những cái quen thuộc.
Trong giáo dục, một loạt cái mới được áp dụng hoặc đưa ra xin ý kiến góp ý gần đây đều chịu chung số phận. Mô hình trường học mới (VNEN), chương trình mới, sách giáo khoa mới, cách đánh giá mới; thậm chí, đơn giản hơn chỉ là một đề xuất của cá nhân một nhà ngôn ngữ về cải tiến chữ quốc ngữ… cũng nhận được không ít phê phán, chê bai, thậm chí miệt thị, xúc phạm không tiếc lời. Cái cũ đúng suy ra cái mới phải sai... là điều dễ thấy trên các diễn đàn mạng xã hội.
Câu chuyện TV1-CNGD là một ví dụ gần nhất. Dư luận ồn ào lên tiếng phản đối cho rằng “lạ” mà không tìm hiểu để biết rằng cái mà họ cho là thay đổi ấy thực chất đã tồn tại hàng chục năm.
Mặc dù CNGD đến nay đã được khoảng 50 tỉnh, thành áp dụng, không ít nơi triển khai tới 100% trường tiểu học nhưng các nhà khoa học cũng nhìn nhận không phải vì thế mà khẳng định nó là phương án tối ưu. Cũng như bất cứ phương pháp giáo dục nào đều có những ưu điểm và hạn chế của nó.
Một vị lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.Hà Nội nói, sở dĩ các trường công lập của Hà Nội chưa bao giờ áp dụng bộ tài liệu này vì thấy việc thực hiện sách giáo khoa tiếng Việt đại trà vẫn phù hợp hơn, HS được luyện nhiều kỹ năng hơn. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng việc một phương pháp, một bộ sách giáo khoa có thể rất phù hợp với đối tượng HS này nhưng hoàn toàn không được giáo viên và HS ở nơi có điều kiện khác biệt đón nhận là hoàn toàn bình thường. Chính vì thế, mới cần thiết phải áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.
Tuy nhiên, trước những làn sóng phản ứng, nhiều khi rất dữ dội, của dư luận xã hội về những đổi mới trong ngành GD-ĐT thì Bộ GD-ĐT thường tỏ ra rất chậm trễ trong việc truyền thông, giải thích, thậm chí là vì “ngại” dư luận nên thay đổi hoặc dừng lại một chủ trương đúng hướng.
Việc dạy TV1-NGD là một điển hình. Lẽ ra phải nhanh chóng giải thích sự ra đời, tồn tại ra sao, cách thức như thế nào của một phương pháp giáo dục suốt 40 năm qua bằng những con số và kết quả đánh giá từ thực tế thì Bộ GD-ĐT hầu như im lặng, báo chí không thể tiếp cận được vụ chức năng để chuyển tải giải thích của cơ quan chủ quản về vấn đề này. Lẽ ra Bộ có trách nhiệm phải giải thích cho người dân, cho cha mẹ HS hiểu và không hoang mang về những cái mà nhà trường đang dạy cho con em họ.
Nghiên cứu sinh, dịch giả Nguyễn Quốc Vương (Nhật Bản) đã có lý trong trường hợp này khi cho rằng: Giáo dục là lĩnh vực mà bách gia tranh minh ngay từ khởi thủy. Sự phẫn nộ của dân chúng là sự hội tụ đã lâu từ nhiều thứ chứ không chỉ là với cách đánh vần… không nằm ở sách giáo khoa mà nằm ở cơ chế.
Chỉ khi cơ chế minh bạch, rõ ràng, khi tạo dựng được niềm tin thì những thay đổi trong GD-ĐT mới dễ được đón nhận hơn.
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.