Tiếng Việt nửa Tây nửa ta, có sửa được không?

07/11/2021 07:27 GMT+7

Còn nhớ những ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp, một trong những nỗi ám ảnh của tôi là gặp phải những người thích giao tiếp tiếng Việt theo kiểu nửa Tây nửa ta .

Tôi có đứa em họ định cư ở Mỹ hơn 30 năm, nhưng mỗi lần đọc Facebook hay đọc các bài báo do tôi viết, nó đều phát hiện ra những lỗi sai chính tả của tôi. Thậm chí, mỗi lần về quê, nó vẫn nói được giọng Quảng Trị còn giỏi hơn cả tôi.

Tôi cũng có những người bạn là giáo sư, tiến sĩ hẳn hoi, đã sống nước ngoài lâu năm nhưng họ vẫn giao tiếp bằng ngôn ngữ thuần Việt với người Việt Nam một cách rất chuẩn chỉnh.

Những ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp, một trong những nỗi ám ảnh của tôi là gặp phải những người thích giao tiếp theo kiểu nửa Tây nửa ta. Oái oăm, một con nhỏ nhà quê mà tôi lại chọn làm việc trong ngành truyền thông và tổ chức sự kiện - môi trường làm việc mà nhiều người nói tiếng Anh nhiều hơn cả tiếng Việt.

Người trẻ có xu hướng sử dụng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt trong giao tiếp

THÁI NGUYÊN

Quả thật mỗi khi giao tiếp qua chat hay qua tin nhắn SMS, tôi có thể tra từ điển để hiểu được nghĩa của từ tiếng Anh mà người ta chèn vào trong câu tiếng Việt. Còn khi gặp mặt trực tiếp, tôi thật sự ngớ người. Nhất là ở các buổi họp hay các khóa về truyền thông tôi đang theo học, ngoài việc đưa các thuật ngữ tiếng Anh vào, một số người còn nói chuyện theo kiểu nửa Tây nửa ta.

Lâu dần trong môi trường này, một thời gian sau, tôi không còn ám ảnh hay khó chịu khi nghe người ta sử dụng bồi thêm tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày nữa. Thậm chí, tôi còn bắt chước theo họ. Có một thời gian, trong các bản thảo của mình, tôi cũng viết theo kiểu chèn thêm vài câu tiếng Anh để được bằng bạn bằng bè.

'Enjoy cái moment này’ thành trào lưu trên mạng xã hội

chụp màn hình

Thế giới phẳng đang tạo ra những con người là công dân toàn cầu và kết nối với nhau bằng một ngôn ngữ khác, thay cho tiếng mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này sẽ khiến không ít người vô tình dần lãng quên gốc gác của mình.

Minh chứng cho điều này chính là bộ phim Hàn Quốc đang gây sốt trên khắp thế giới mang tên Trò chơi con mực. Sau khi xem xong bộ phim, tỷ lệ người dân các nước đăng ký học tiếng Hàn trên các ứng dụng nền tảng số tăng một cách đột biến, đến mức tổng thống Hàn Quốc đã gọi bộ phim này là Quyền lực mềm, vì từ bộ phim này, người dân trên toàn thế giới vừa muốn học tiếng Hàn vừa tìm hiểu về văn hóa xứ kim chi.

Nửa năm nay tôi có theo dõi một bạn nam YouTuber là một Việt kiều đang định cư tại Canada. Bạn chuyên chia sẻ về các món ăn của Việt Nam, đặc biệt là món ăn của người Huế, bằng giọng nói đặc sệt Huế.

Các clip của bạn chỉ là hướng dẫn món ăn của người Việt Nam, qua đó chia sẻ thêm về văn hóa ẩm thực Việt cho bạn bè thế giới nhưng đây lại là kênh YouTube truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều khi được nghe lại tiếng miền Trung thân thương.

Tôi không cực đoan khắt khe lên án trào lưu của các bạn trẻ thích nói chuyện theo kiểu nửa Tây nửa ta lẫn lộn ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng khi con người được giáo dục đủ về tình yêu dân tộc thì tự khắc họ sẽ sửa được mà thôi. Vì ngôn ngữ mẹ đẻ là ADN luôn nằm sẵn trong từng tế bào của mỗi người, thế nên dù đi tới đâu, dù mang trong mình bất kỳ quốc tịch nào thì khi được gặp trúng “ADN” giống nhau thì tự khắc lòng tự tôn dân tộc sẽ được trỗi dậy.

Từ cách nói của Chi Pu và Binz, dân mạng tranh cãi việc nói đệm tiếng Anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.