Tiếp nhiệt cho đam mê sử Việt

Nguyên Vân
Nguyên Vân
28/05/2022 07:03 GMT+7

Khi thực trạng làm sao để môn sử trở nên hấp dẫn, “dân ta phải biết sử ta” còn “nói hoài nói mãi”, nhiều dự án về lịch sử do các cá nhân, nhóm nghiên cứu độc lập tiếp tục thực hiện vẫn được ủng hộ, thu hút người xem.

Đầu tiên có thể kể đến Nguyễn Huệ bình Xiêm La - tập phim tiếp nối từ series Việt Nam trăm bậc vĩ nhân đã phát hành trên kênh Việt sử kiêu hùng (dự án phi lợi nhuận do nhóm Đuốc Mồi sáng lập, nhằm kết nối những giá trị lịch sử của dân tộc với người trẻ Việt, thông qua hình thức phim dã sử diễn họa). Ra mắt cuối tháng 4, giữa thời điểm môn lịch sử được đưa ra cân nhắc, mổ xẻ là môn học lựa chọn hay bắt buộc ở cấp THPT, phim đã đạt 50.000 lượt xem chỉ sau 1 ngày công chiếu, đến nay đã hơn 174.000 lượt xem.

Hình ảnh từ phim Bình Ngô đại chiến 2

Phía dưới tập phim, hơn 1.000 bình luận bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, góp ý với ê kíp sản xuất lẫn cơ quan, ban ngành hữu quan: “Dù đã học về sự kiện lịch sử này nhưng xem video cảm xúc gấp mấy lần, dễ hiểu và linh động”, “Là một người yêu lịch sử, dù đã đọc và xem nhiều video về Tây Sơn nói riêng và sử Việt nói chung, nhưng đây là video mình thấy nổi da gà nhất!”, “Ước gì giáo dục Việt Nam biết phân bổ nguồn lực, tập trung xây dựng cho những tác phẩm như vậy hơn là những cải cách sách, kỳ thi”...

Bên cạnh đó, ê kíp Đuốc Mồi cũng đang thực hiện dự án Bình Ngô đại chiến 2, tiếp nối sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động trong Bình Ngô Đại chiến 1 (ra mắt cuối năm 2020); tái hiện chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, chiến dịch quy mô nhất và khốc liệt nhất của khởi nghĩa Lam Sơn, chấm dứt 20 năm cai trị bạo tàn của giặc Minh, mở ra chương sử mới khải hoàn cho Đại Việt, dự kiến gồm 10 hồi và phát hành trong thời gian 2022 - 2023.

Theo biên kịch Đỗ Minh Nhật: “Sau thành công của Bình Ngô đại chiến 1, phần 2 càng được khán giả chú ý và mong chờ nhiều hơn. Thêm nữa, nhóm muốn phần 2 có chiều sâu hơn, khai thác tâm lý nhân vật nhiều hơn, vì vậy mà áp lực trong việc sản xuất càng lớn”. Dự án này đang gây quỹ và như chia sẻ của nhóm sản xuất: “Rất cần sự tiếp sức của tất cả các bạn”.

Một series khác đang được quan tâm dõi theo là Việt sử tân biên của sử gia Phạm Văn Sơn phát trên kênh Hùng ca sử Việt (do nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi sáng lập và cũng là người đọc - kể những câu chuyện lịch sử của kênh này), đang đến chương 5. Sau khi ra mắt, nhà sản xuất thông tin thêm, từ yêu cầu của khán giả, Hùng ca sử Việt mở lại tài khoản cho mọi người đóng góp để đội ngũ thực hiện có thêm kinh phí đầu tư hình vẽ.

Hình ảnh từ phim Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang

Đuốc Mồi

Cần sự đầu tư có định hướng ?

Tuấn Trần - người sáng lập Đuốc Mồi - cho biết trong tham luận Bồi đắp cho giới trẻ hiện nay về tình yêu lịch sử Việt Nam gửi đến tọa đàm về lịch sử do Ban Tuyên giáo T.Ư tại TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2021, anh đã nêu vấn đề: Giới trẻ đang rất thiếu những sản phẩm để sử dụng như một phương tiện thể hiện tình yêu sử Việt và tinh thần tự hào dân tộc.

Còn nhớ năm 2015, VTV từng có phóng sự gây chấn động cả nước khi 37/40 học sinh được phỏng vấn trả lời rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau; lúc đó, phần đông ý kiến kết luận rằng giới trẻ quay lưng với lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, theo Tuấn Trần, khi kênh Việt sử kiêu hùng ra mắt và truyền cảm hứng để nhiều dự án lịch sử khác được triển khai đã chứng minh: Giới trẻ không quay lưng với lịch sử, mà thực chất vì thiếu những sản phẩm chứa đựng tâm huyết và chất lượng, đủ sức truyền cảm hứng cho người xem. Điều này được minh chứng qua mỗi sản phẩm của Việt Sử kiêu hùng (đều có phần phụ đề tiếng nước ngoài: Anh, Trung, Nhật, Hàn… với mong muốn người Việt xa quê có thể theo dõi và giới thiệu cho bạn bè thế giới), khi có vô số bình luận tự hào, kiêu hãnh về lịch sử nước nhà, khiến các bạn trẻ hứng thú tìm hiểu; thậm chí Việt sử kiêu hùng còn được đưa vào đề thi của nhiều trường, như Đại học Bách khoa TP.HCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).

Đuốc Mồi được vinh danh tại giải WeChoice 2020: Nhóm, dự án có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng

BTC

Nhưng để có được những sản phẩm truyền cảm hứng đối với sử Việt như thế, các cá nhân, nhóm nghiên cứu lịch sử độc lập, đơn vị sản xuất tư nhân đã không hề dễ dàng trong hành trình giữ lửa, lan tỏa. Theo Phạm Vĩnh Lộc (người đam mê nghiên cứu lịch sử, được yêu thích qua những bài viết, clip do anh tìm hiểu, tổng hợp và kể lại lịch sử theo cách của mình), dù những người trẻ có đam mê nhiệt huyết đến mấy mà cứ toàn “tự bơi” thì đến khi hết nhiệt, hết tiền sẽ tự động dừng cuộc chơi. Bởi, như Phạm Vĩnh Lộc (biên kịch của các tập phim lịch sử triệu view: Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành, Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang) nói, nguồn tiền kêu gọi đóng góp từ cộng đồng (như hình thức gây quỹ cộng đồng mà các dự án về lịch sử áp dụng lâu nay) thường “hên xui”, hữu hạn và không bền vững.

Đồng quan điểm, Tuấn Trần cho rằng những khó khăn, thách thức đối với các dự án lịch sử chính là vấn đề về nguồn lực, không chỉ tài chính mà thiếu cố vấn chuyên môn, thiết bị máy móc, thiếu các đối tác hỗ trợ sản xuất…; thiếu sự bảo trợ/tài trợ/đồng hành từ các doanh nghiệp; thiếu sự định hướng, gắn kết chung trong một chiến dịch tổng thể. Đó cũng là lý do dẫn tới tình trạng hầu hết các dự án đều tự phát, chưa tạo được hiệu ứng cộng hưởng hỗ trợ lẫn nhau.

Tuấn Trần cũng bày tỏ mong muốn được “tiếp nhiệt”. Anh nói: “Cần có sự định hướng và tham gia của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công cuộc làm sao “dân ta phải biết sử ta”, để có thể trở thành một nơi kết nối nhằm giúp các nước chia sẻ lại kinh nghiệm với Việt Nam, để các doanh nghiệp có tâm với đất nước có thể đồng hành với các dự án nâng cao tinh thần dân tộc cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.