Tiếp tay người Trung Quốc giả công an lừa tiền tỉ

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
18/10/2019 19:22 GMT+7

Xành Ký Phui và Nguyễn Văn Tâm được Lục Cố thuê dùng CMND giả mở tài khoản ngân hàng , tiếp tay người Trung Quốc giả công an lừa qua điện thoại.

Chiều 18.10, TAND TP.Đà Nẵng kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án tiếp tay người Trung Quốc trong đường dây tội phạm giả công an, lừa qua điện thoại, chiếm đoạt tiền tỉ.

Tiếp tay người Trung Quốc, giả công an lừa qua điện thoại

Theo bản án, Xành Ký Phui (36 tuổi, ngụ 219 Âu Cơ, Q.Tân Bình, TP.HCM) 5 năm tù, Nguyễn Văn Tâm (29 tuổi, ngụ thôn Kinh Trang, xã Thái Dương, H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương) 1 năm 9 tháng tù về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, tháng 11.2017, Nguyễn Văn Tâm đã bị TAND tỉnh Hải Dương tuyên phạt cùng tội danh, nên tổng hợp hình phạt 5 năm tù.

Theo cáo trạng, cuối 2017, Xành Ký Phui làm cửu vạn tại Đông Hưng (Trung Quốc), quen một người đàn ông người Trung Quốc tên Lục Cố (chưa rõ lai lịch), Cố thuê Phui về Việt Nam mở tài khoản ngân hàng và bán lại cho Cố với giá 1 triệu đồng/tài khoản.

Nguyễn Văn Tâm bị tổng hợp hình phạt 5 năm tù

Ảnh: Nguyễn Tú

Từ tháng 12.2017 đến tháng 1.2018, Xành Ký Phui làm CMND giả để dùng mở tài khoản ngân hàng, và đưa lại Lục Cố. Cùng thời gian, Phui rủ Tâm tham gia và đưa Tâm 4 CMND giả dán ảnh Tâm để mở tài khoản ngân hàng ở Hà Nội và Hải Dương.

Tổng cộng, Phui mở 35 tài khoản, Tâm mở 26 tại Maritimebank, Sacombank, Agribank, Vietcombank, AB Bank, Techcombank, HD Bank, BIDV, SCB, VietinBank.

Mỗi người được Lục Cố trả khoảng 20 triệu đồng, các tài khoản này Cố và đồng bọn bên Trung Quốc dùng để lừa đảo nhiều người tại Đà Nẵng và Hà Nội chuyển tiền vào, sau đó rút ra tại Trung Quốc.

Lệnh bắt khẩn cấp giả gửi Zalo cho chị Y. khiến chị hoảng sợ, chuyển khoản 1 tỉ đồng

Ảnh: Nguyễn Tú

Giấy chuyển tiền của chị Y.

- Ảnh: Nguyễn Tú

Hàng loạt nạn nhân bị lừa

Công an TP.Đà Nẵng làm rõ được một số vụ như sáng 19.4.2018, chị L.H.Y (ngụ P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bị nhiều người gọi điện tự xưng là Viettel đòi nợ cước, và trung úy Phạm Tuấn Anh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM tố chị nằm trong đường dây ma túy, buộc kê khai tài sản.

Khi thấy lệnh bắt khẩn cấp gửi qua Zalo, chị Y. hoảng sợ chuyển khoản 1 tỉ đồng vào tài khoản theo yêu cầu của trung úy dỏm.

Với thủ đoạn giả công an lừa qua điện thoại tương tự, ngày 17.4.2018, chị N.T.H (ngụ tổ 10 P.Thạch Thang, Q.Hải Châu) bị lừa 110 triệu đồng; ngày 4.5.2018, bà T.B.T (ngụ 68 Cao Xuân Dục, Q.Hải Châu) bị lừa 290 triệu đồng…

Các bị hại trên chuyển tiền vào tài khoản Phui lập và số tiền được rút chủ yếu tại Trung Quốc.

Bà T. (bên trái) trình báo tại Công an Q.Hải Châu

Ảnh: Nguyễn Tú

Ngoài ra, ngày 4.7.2018, bà P.T.O (ngụ tổ 23 P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) bị lừa 220 triệu đồng; ngày 21.7.2018, anh N.T.H (ngụ thôn Thái Phù, xã Mai Đình, H.Sóc Sơn, Hà Nội) bị lừa 107 triệu đồng, may thay, sau khi 2 bị hại này chuyển tiền, ngân hàng thông báo đây là tài khoản lừa đảo đang bị điều tra nên được phong tỏa kịp thời.

Tuy nhiên, đối với Lục Cố và đồng bọn người Trung Quốc, cơ quan điều tra đã có 2 công văn ngày 15.1.2019 và ngày 18.3.2019 đề nghị Viện KSND tối cao hỗ trợ thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự đến Trung Quốc để làm rõ đối tượng giả công an lừa qua điện thoại, nhưng nay chưa có kết quả, nên tách vụ án tiếp tục điều tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.