Tiếp tục củng cố sức mạnh tên lửa, Triều Tiên nhằm mục tiêu gì?

24/01/2022 07:01 GMT+7

Giống như năm trước, Triều Tiên đã bắt đầu năm 2022 bằng một loạt vụ phóng tên lửa , cho thấy sự tiến bộ trong việc củng cố kho vũ khí của nước này cả về chất và lượng. Triều Tiên có mục tiêu gì khi làm điều này?

Đặc biệt, Triều Tiên tiến hành liên tiếp 2 vụ thử tên lửa bội siêu thanh, công nghệ vũ khí mới nhất đang được các cường quốc quân sự như Mỹ, Nga và Trung Quốc phát triển.

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát vụ phóng tên lửa bội siêu thanh hôm 11.1 - lần đầu tiên có hình ảnh này sau 2 năm - cho thấy ý nghĩa của cuộc thử nghiệm này.

Tham vọng tên lửa

Vào tháng 1.2021, nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố kế hoạch 5 năm để mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình, bao gồm khả năng tấn công “phủ đầu” và “trả đũa” nhằm cho phép các đầu đạn của Triều Tiên “đánh trúng và tiêu diệt chính xác” các mục tiêu trong phạm vi 15.000 km, kể cả nước Mỹ.

Chủ tịch Kim Jong-un giám sát vụ phóng tên lửa bội siêu thanh tại vị trí chưa xác định ở Triều Tiên, ngày 11.1.2022

reuters

Những việc cần làm bao gồm phát triển tên lửa siêu thanh, tên lửa liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn có thể phóng từ đất liền và trên biển, vệ tinh do thám và máy bay không người lái trinh sát, cũng như nghiên cứu và phát triển thêm các thiết bị quân sự tiên tiến. Và có vẻ Triều Tiên đang đi đúng hướng.

Trong những năm gần đây, đã có sự phát triển vượt bậc về sự đa dạng của các hệ thống tên lửa mới ở Triều Tiên.

Theo Ankit Panda, chuyên gia vũ khí và thành viên cấp cao của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, kể từ tuyên bố tháng 1.2021, Triều Tiên đã giới thiệu 7 khả năng tên lửa mới phù hợp với kế hoạch mà ông Kim đã công bố.

Bế tắc ngoại giao

Cái bắt tay mang tính lịch sử giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Singapore, tháng 6.2019

reuters

Kể từ khi hội nghị thượng đỉnh năm 2019 giữa ông Kim và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bế tắc, Mỹ và Hàn Quốc đã thúc giục Triều Tiên quay trở lại đàm phán. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden không cho thấy sự sẵn sàng xóa bỏ các biện pháp cấm vận như mong muốn của Triều Tiên.

Những biện pháp cấm vận mới có thể sẽ thúc đẩy Triều Tiên chỉ trích Mỹ có “chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng. Ông Kim tuyên bố rằng các vụ thử tên lửa chỉ nhằm mục đích phòng thủ - để có thể đáp trả trong trường hợp bị Mỹ tấn công.

Trong khi đó chỉ còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ, thời gian không còn nhiều để Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - nhân vật bắc cầu nối Triều Tiên và Mỹ - giúp đạt được tiến bộ ngoại giao có ý nghĩa đối với Triều Tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.