Tiết kiệm điện thành thói quen: 'Một người khỏe', cả nhà vui

"Dù ai nói ngả nói nghiêng", tôi vẫn duy trì thói quen thích giặt đồ bằng tay để có cơ thể luôn… cường tráng, khỏe mạnh. Biết rằng máy móc được phát minh ra để giúp con người bớt vất vả nhưng đâu phải bất cứ việc gì cũng nhờ đến… máy giặt. Thấy tôi sức vóc ngon lành, bà xã tôi hay khen trước con cháu: "Ba mà khỏe, cả nhà mình đều vui nha".

Cực chẳng đã, khi nào áo quần nhiều quá tôi mới nhờ cậy đến thiết bị… hại điện này. Tuy nhiên, để tiết kiệm đến mức thấp nhất, việc đầu tiên khi sử dụng máy giặt tôi luôn kiểm tra xem lượng quần áo mang giặt phù hợp với công suất máy hay chưa? Tuyệt đối không để dồn quá nhiều, máy sẽ tiêu thụ một lượng điện lớn và giặt khó sạch. Tôi theo dõi thời gian hoạt động của máy giặt từ đầu cho tới cuối là rút phích điện nguồn ngay.

Sắp xếp không gian hợp lý

Trước đây, muốn không khí mát mẻ mỗi thành viên trong gia đình tiện tay mở quạt và di chuyển những cây quạt máy đến nơi mình muốn, nên có lúc trong gian phòng nhỏ có nhiều chiếc quạt cùng hoạt động, tạo nhiều luồng gió trái chiều lãng phí. Tôi chú ý quan sát vị trí ở các bàn làm việc, tiếp khách, bàn ăn rồi sắp xếp lại sao cho không cần mở hết tất cả quạt máy mà góc nào trong phòng cũng nhận được làn gió mát. Cạnh đó là tận dụng gió trời qua việc mở cửa sổ các phòng, thay cho mở quạt hoặc máy điều hòa. Sáng ngủ dậy, tôi mở hết các cửa cho nhà thông thoáng, tắt hết các đèn hành lang, cầu thang.

Tiết kiệm điện thành thói quen: 'Một người khỏe', cả nhà vui  - Ảnh 1.

Máy giặt luôn ở chế độ “nghỉ ngơi” khi áo quần được giặt tay là biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả

QUỲNH TRÂN

Máy điều hòa cũng không điều chỉnh hoặc thay đổi chế độ, tắt mở liên tục, mà luôn giữ ở mức 26oC trở lên vì cứ hạ xuống một độ, điện năng tiêu thụ sẽ lên 2 - 3%. Vật dụng, bàn ghế trong phòng được kê lại để không che chắn luồng không khí lạnh từ máy tỏa ra giúp giấc ngủ nhẹ nhàng và giảm công suất máy. Tất cả thiết bị như máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp nấu… được đặt cách tường 10 cm để thông thoáng.

Trở lại việc giặt máy... tốn điện ở trên, tôi vệ sinh máy giặt thường xuyên để tránh cặn bẩn, sợi vải bám vào lồng giặt sinh ra nấm mốc, bám lên quần áo ảnh hưởng đến làn da cũng như sức khỏe. Kế tiếp là lau sạch khay để bột giặt, cửa máy giặt. Tất nhiên là làm bằng tay với một chiếc khăn lông mềm.

Đối với những loại trang phục nhẹ, mỏng hay khăn mặt, áo quần tập thể dục thì tôi chọn giặt tay, không bỏ vào máy giặt. Mùng mền tôi cũng giặt bằng tay, chỉ sử dụng chế độ vắt cho mau khô mà thôi. Những hôm trời nóng bức, giặt xong tôi phơi trước ban công để chống nắng chiếu, hơi nước thoát ra làm mát hàng giờ. Ánh nắng còn là tác nhân sát trùng bề mặt mùng mền rất hiệu quả. Bà xã tôi hay nhắc nhở: Nhà mình có máy giặt rồi, anh làm chi cho mệt. Tôi cười, giải thích: "Anh làm cho máy giặt đỡ quá tải. Nhà mình đông, đồ dùng cá nhân tự giặt lấy một phần thì máy lâu hỏng, vừa giảm tiền điện. Hơn nữa, có hoạt động thể lực chân tay như thế, tay chân mới cứng cáp. Một người khỏe hai người vui, em ạ".

Hiểu ý nhau, thấy hiệu quả không thua gì thực phẩm chức năng hay quảng cáo trên truyền hình, bà xã tôi càng ủng hộ việc tôi làm.

NHỮNG KINH NGHIỆM "XƯƠNG MÁU"

Nhà tôi có 6 người lớn và hai trẻ em sống trong ba phòng riêng. Phòng nào cũng có ti vi, loa nghe nhạc, máy tính để bàn, laptop cá nhân… Trước đây, máy tính toàn để ở chế độ chờ, màn hình vẫn sáng rực khi đã ra khỏi phòng. Nay mọi người thống nhất xem ti vi ở phòng chung, hạn chế xem riêng. Máy tính không dùng phải ngắt điện ngay. Phòng nào đã mở máy lạnh, việc ra vào giảm xuống mức thấp nhất, ra vào cần nhanh và cũng không mở hết cửa để tránh việc chênh lệch nhiệt độ trong ngoài phòng làm máy tiêu thụ thêm điện năng.

Nếu chỉ có một mình trong phòng nên mở quạt hay mở cửa sổ. Vừa đỡ tốn điện vừa làm không khí trong phòng được lưu thông, thoáng mát. Làm việc chung, bớt điện, càng tốt. Hạn chế mở máy lạnh, quạt vào sáng sớm. Thay đổi vị trí các bàn làm việc từ trong góc ra nơi có nguồn sáng trời chiếu vào và gió mát thổi đến.

Việc làm sạch nhà cửa thay đổi từ thường xuyên sử dụng máy hút bụi mỗi ngày sang dùng chổi quét, dùng khăn ướt lau sạch cửa sổ, lam gió, những góc cầu thang, tủ, kệ sách. Cần luộc trứng, hấp khoai, trước đây bỏ vào nồi bắc lên bếp điện, đun nấu riêng từng món; nay rửa sạch rồi bỏ chung trong nồi cơm điện khi nấu, vừa tiện lợi, vừa thơm ngon lại tiết kiệm điện.

Các bóng đèn trong nhà, bếp điện, ti vi, tủ lạnh, lò nướng, quạt máy… sau một thời gian sử dụng cũng dễ bị ám bụi, khói, dầu mỡ, cản trở tỏa nhiệt, làm tăng tiêu hao lượng điện, cần vệ sinh cho sạch sẽ. Cần nhớ là phải tắt cầu dao điện chính cho an toàn trước khi bắt tay vào việc. Riêng bàn ủi vì thường tiếp xúc với nhiều loại sợi vải có chất hóa học nên hay bị bám dính, ố bẩn, bật ở nhiệt độ cao mới nóng. Dùng một lớp muối biển rải lên một miếng vải, bật bàn ủi ở nhiệt độ cao, ủi lên lớp muối này. Bàn ủi sẽ sạch sẽ. Cần phân loại quần áo trước khi ủi để phù hợp độ nóng từng loại, không để thời gian trống giữa các lần ủi quá lâu và nhớ rút điện bàn ủi sớm trước khi xong vì độ nóng vẫn còn đủ sử dụng... Điều đáng chú ý là không nên phơi quần áo trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời khiến sợi vải co lại thành nếp, khi ủi sẽ tốn nhiều điện để làm thẳng nếp.

Nhờ những kinh nghiệm "xương máu" trong sử dụng điện như trên mà gia đình chúng tôi hình thành thói quen tiết kiệm, giảm bớt chi phí trong sinh hoạt. Vui nhất là đến ở nhà bà con, bạn bè khi có họp mặt, lễ hội, tôi còn được khen không bao giờ làm tốn điện gia chủ. Còn bà xã tôi thì chắc ngày nào cũng vui và cười thầm trong bụng khi thấy sức khỏe tôi ngày một dẻo dai. 

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.