Dù ở nhà hay công sở, hãy thực hiện thường xuyên việc tiết kiệm điện mọi lúc, mọi nơi để tạo thành thói quen. Đặc biệt là nên nhắc nhở nhau, chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm điện cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp đó là việc thường xuyên nên làm.
Khoảng gần cuối năm 2022, khi đọc được dự báo của các chuyên gia khí hậu về việc chu kỳ mới của El Nino sắp bắt đầu, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những mùa khô khốc liệt, nắng nóng, thiếu nước, thiếu điện....
Và không nằm ngoài những mường tượng của tôi, nước ta đã trải qua những ngày oi bức của năm 2023, có nơi nền nhiệt ghi nhận được lên đến hơn 44 độ C, sông cạn trơ đáy, nhiều thủy điện tạm dừng vì các hồ chứa chỉ cầm chừng ở mực nước chết...
Trái đất nóng dần lên cũng là lúc chúng ta phải gánh chịu hệ quả nặng nề
Chúng ta biết rằng, trong cơ cấu sản xuất điện, bên cạnh thủy điện, tua bin khí, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) và một phần rất nhỏ điện nhập khẩu thì nhiệt điện vẫn chiếm gần phân nửa tỷ trọng. Quá trình sản xuất nhiệt điện phát thải khí CO2 - nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên và gây biến đổi khí hậu.
Tuy thủy điện được xem là nguồn năng lượng sạch, phát thải rất ít so với nhiệt điện và tua bin khí, song vẫn tồn tại rủi ro đi kèm. Để một dự án thủy điện hình thành có thể phải phá bỏ một phần tài nguyên rừng, làm cho khu vực đó vừa mất đi lá phổi xanh điều hòa không khí, vừa gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái động thực vật.
Vì lẽ đó, việc tiết kiệm điện có thể xem như một trong những giải pháp căn cơ và hiệu quả để kéo giảm phát thải khí nhà kính, góp phần trực tiếp hạn chế những tác động tiêu cực đến khí hậu và môi trường.
Tôi thường nói với mọi người trong gia đình rằng tài nguyên thiên nhiên (nước, than, các loại khoáng sản khác...) là hữu hạn. Nếu mỗi ngày, mỗi người chúng ta lãng phí thì có thể ba năm, mười năm, hai mươi năm sau, hoặc chúng ta, hoặc con cháu của chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng thiếu nhiên liệu, thiếu nước sạch, thiếu không khí sạch và... thiếu điện phục vụ cho những nhu cầu cơ bản của sinh hoạt và đời sống thường ngày.
Không chỉ vậy, việc tiêu thụ quá nhiều điện năng làm tăng lượng khí thải ra môi trường, gây hiệu ứng nhà kính. Khi trái đất nóng dần lên cũng là lúc chúng ta phải gánh chịu hệ quả nặng nề từ các hình thái thời tiết cực đoan của biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ,... Và tất nhiên, điều đó tác động đến sản xuất công - nông nghiệp, an ninh lương thực và sức khỏe con người.
Vậy làm thế nào để tiết kiệm điện, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống?
Khi thiết kế, xây dựng nhà ở hoặc nhà tập thể, phòng trọ, văn phòng... nên chú ý để không gian bên trong đón nhận được gió và ánh sáng tự nhiên (như hướng, loại và kiểu dáng cửa sổ, cửa ra vào, giếng trời, tôn sáng...)
Ở gia đình, nên tận dụng vai trò của các cửa sổ và quạt máy (thay vì máy lạnh) để gia tăng lưu thông không khí. Đồng thời, trồng thêm cây xanh xung quanh nhằm tạo bóng mát cũng như giúp điều hòa khí hậu.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và phương pháp bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị điện trong gia đình để đạt hiệu quả làm việc tối ưu mà không gây lãng phí điện năng. Ví dụ máy lạnh nên vệ sinh định kỳ và để ở mức 26 - 27°C. Nếu sử dụng bếp từ nên chọn nồi, chảo truyền nhiệt nhanh và an toàn, có kích thước phù hợp với bếp; khi giặt máy nên chọn chế độ giặt, mức nước phù hợp với khối lượng quần áo, tình trạng, chất liệu vải...
Nên chọn các loại thiết bị điện có nhãn năng lượng tiết kiệm điện hoặc sản phẩm dùng năng lượng mặt trời... Và quan trọng nhất, khi ra khỏi nhà hoặc không có nhu cầu sử dụng, nên tắt tất cả các thiết bị điện không cần thiết.
Tiết kiệm điện tôi làm được, còn bạn thì sao?. Hy vọng rằng, mỗi người chúng ta cùng góp một hành động nhỏ để có thể làm nên những thay đổi lớn. Vì những thay đổi này của chúng ta sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn, xanh hơn.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)