Tự động phát
Tổng thống Nga Vladimir Putin xem sự hiện diện của các lực lượng tân phát xít như Azov trong quân đội Ukraine là một trong số lý do để tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và xóa bỏ chủ nghĩa phát xít ở Ukraine”. Vậy lực lượng Azov là gì?
Azov là đơn vị bộ binh tình nguyện cực hữu có khoảng 900 thành viên. Lực lượng này theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bị cáo buộc có tư tưởng tân phát xít và cực đoan da trắng.
Tháng 5.2014, đơn vị này được thành lập dưới hình thức tình nguyện kết hợp giữa nhóm dân tộc cực đoan “Người ái quốc Ukraine” và nhóm tân quốc xã SNA. Cả hai nhóm đều có lý tưởng bài ngoại, tân phát xít và tấn công những người di cư, cộng đồng Di-gan và những người có quan điểm trái ngược.
Hình ảnh một cuộc huấn luyện của lực lượng Azov |
Sau khi thành lập, đơn vị Azov ra tiền tuyến chiến đấu chống lực lượng đòi ly khai ở Donetsk (đông Ukraine). Vài tháng sau khi kiểm soát thành phố cảng chiến lược Mariupol, Azov chính thức gia nhập Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine vào ngày 12.11.2014.
Tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko đã ca ngợi Azov là “những chiến binh tài giỏi nhất của chúng tôi". Trước khi được sáp nhập vào Vệ binh Quốc gia Ukraine, Azov được Bộ Nội vụ Ukraine hỗ trợ. Chính phủ Ukraine khi đó thừa nhận quân đội không đủ sức để chống lại lực lượng ly khai và phải dựa vào các lực lượng tình nguyện bán quân sự. Các lực lượng này được nhiều tài phiệt Ukraine tài trợ.
Tư tưởng phát xít của Azov
Người sáng lập và lãnh đạo đầu tiên của Azov là Andriy Biletsky. Nhân vật này năm 2010 phát biểu rằng mục tiêu của phong trào dân tộc Ukraine là “dẫn dắt chủng tộc da trắng trên thế giới trong cuộc thánh chiến cuối cùng… chống lại các chủng tộc hạ đẳng do Do Thái lãnh đạo".
Năm 2015, Andriy Diachenko, người phát ngôn của Azov thời điểm đó, nói rằng từ 10 đến 20% tân binh của Azov có tư tưởng phát xít.
Azov phủ nhận theo tư tưởng phát xít. Tuy nhiên, rất dễ nhận ra các biểu tượng quốc xã trên đồng phục Azov và hình xăm của các thành viên.
Thành viên Azov cầm cờ có biểu tượng quốc xã |
Nhiều thành viên Azov tự xưng là tân Quốc xã, và chủ nghĩa dân tộc cực đoan cực hữu chiếm ưu thế trong đội ngũ.
Tháng 1.2018, Azov triển khai đơn vị tuần tra đường phố để "khôi phục" trật tự ở thủ đô Kyiv. Tuy nhiên, đơn vị này tiến hành nhiều vụ tấn công chống người Di-gan và cộng đồng LGBTQ.
Trong một báo cáo năm 2016 của Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền, đơn vị Azov bị cáo buộc vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Báo cáo này liệt kê những phát hiện trong giai đoạn 2015-2016 cho thấy Azov đưa lực lượng và vũ khí và các tòa nhà dân sự, đuổi cư dân đi và cướp bóc của cải.
Báo cáo cũng tố cáo thành viên Azov cưỡng hiếp và tra tấn người ở vùng Donbass.
Phản ứng quốc tế
Tháng 6.2015, Mỹ và Canada tuyên bố không ủng hộ và huấn luyện lực lượng Azov vì các liên hệ với tân phát xít.
Tuy nhiên, Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm này vào năm 2016 vì sức ép từ Lầu Năm Góc. Azov nhận được nhiều ủng hộ từ lực lượng cực hữu trên toàn thế giới.
Nhiều người nước ngoài được ghi nhận đã tham gia các đơn vị huấn luyện Azov để trui rèn kinh nghiệm chiến đấu và chia sẻ ý thức hệ cực đoan.
Năm 2016, Facebook xem Azov là một “tổ chức nguy hiểm” và cấm lực lượng này khỏi nền tảng trong năm 2019. Tuy nhiên khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Facebook đã đảo ngược lại lệnh cấm “giữa bối cảnh lực lượng này bảo vệ Ukraine và vì vai trò là một phần của Vệ binh Quốc gia Ukraine”.
Bình luận (0)