Lợi nhuận trồng tiêu có thể đạt 500 triệu đồng/ha
Những cơn mưa đầu tháng 6 đã giải nhiệt thời tiết nóng bức, nhưng chưa thể giải được cơn sốt giá hồ tiêu. Ngồi ngắm khu vườn tiêu xanh mướt sau trận mưa lớn, anh Liễu Minh Toán, ngụ tại H.Bù Đăng (Bình Phước), tấm tắc tự hào: "Sau mấy hôm trời mưa, vườn tiêu nhìn xanh tốt lên hẳn. Mà cho dù không mưa, thì với mức giá cao hiện nay, người nông dân vẫn ra sức chăm sóc để đạt năng suất cao".
Trong khi đó, vừa tưới xong vườn tiêu, anh Hoàng Văn Chiến, ngụ tại Đắk Lắk tranh thủ chụp hình vườn nhà và hy vọng: "Vườn tiêu nhà mình đây các bác, mong rằng đến lúc thu hoạch giá tiêu vẫn còn cao để người nông dân có thêm thu nhập".
Giá hồ tiêu gần đây là chủ đề bàn luận khá sôi nổi của cộng đồng nông dân các tỉnh Đông Nam bộ, Tây nguyên... Sau khi phá mốc 120.000 đồng/kg, giá hồ tiêu đã vọt lên trên 200.000 đồng/kg khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Hiện mỗi ha thu về 500 - 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người trồng có lãi khoảng 350 - 400 triệu đồng/ha, thậm chí một số vườn tiêu canh tác theo chuẩn hữu cơ ghi nhận mức lãi lên tới 500 triệu đồng/ha.
Thời hoàng kim của hồ tiêu trong quá khứ, giá hồ tiêu đã từng chạm mốc 220.000 đồng/kg nhưng sau đó đã tuột dốc không phanh, có lúc chỉ còn 50.000 đồng/kg. Với diễn biến giá hồ tiêu như hiện nay, nhiều người lạc quan còn mạnh dạn dự đoán sẽ tăng đến 250.000 đồng/kg, phá vỡ kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, cột mốc đó đang gặp thử thách khi giá hồ tiêu đã lùi về mức 160.000 đồng/kg vào sáng nay 17.6.
Giá tiêu sẽ tăng tới đâu?
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, diện tích và sản lượng tiêu ngày càng giảm, năm 2020 diện tích hơn 130.000 ha, năm 2023 chỉ còn 120.000 ha, sản lượng đạt 190.000 tấn. Ước tính sản lượng tiêu năm nay tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 170.000 tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm nay nguồn cung hồ tiêu hạn chế. Trong vòng 2 tháng trở lại đây nhu cầu thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên, nhiều doanh nghiệp thiếu hàng cho xuất khẩu nên tăng thu mua trong thời gian ngắn, đẩy giá tăng sốc. Đặc biệt, mấy năm qua nông dân các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ có thu nhập cao từ sầu riêng, cà phê nên có đủ khả năng tài chính để găm giữ hồ tiêu, thậm chí nhiều người sẵn sàng trữ đến 2 - 3 năm, không vội bán.
Theo VPSA, ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước. Nguyên nhân là do nhiều nông dân chặt bỏ cây hồ tiêu khi giá rớt cách đây 4 năm trước để trồng những cây có lợi ích kinh tế hơn như sầu riêng, cà phê...
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 465.000 tấn, giảm 1,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất. Điều này khiến cho lượng tồn kho tiếp tục sụt giảm xuống còn 428.000 tấn, mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Với tình trạng khan hiếm nguồn cung hồ tiêu như hiện nay, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định giá tiêu trong thời gian tới có thể vượt đỉnh chu kỳ giá lần trước, đạt hơn 250.000 đồng/kg, thậm chí có thể lên đến 300.000 - 400.000 đồng/kg.
VPSA khuyến cáo: Trong bối cảnh giá tiêu tăng nóng, doanh nghiệp khó chủ động nguồn hàng, đồng thời phải đối mặt với khó khăn kép do chiến tranh, cước vận tải tăng cao, rủi ro thương mại… Do đó, việc hài hòa chia sẻ lợi ích lúc này là hết sức quan trọng, để tất cả các bên cùng thắng. Nếu giá hồ tiêu nội địa tăng, các doanh nghiệp cần điều chỉnh giá xuất khẩu tương ứng. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro về uy tín và đơn hàng. Hồ tiêu có thể tiếp tục tăng giá nhưng nông dân cũng cần nhìn lại bài học của nhiều năm trước, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định.
Bình luận (0)