Tìm giải pháp an toàn xe đưa đón học sinh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/08/2024 07:01 GMT+7

Nhiều trường đã đón học sinh tựu trường cho năm học mới 2024 - 2025. Làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trên xe buýt trường học là điều nhiều cha mẹ, trường học quan tâm.

Xe buýt đưa đón học sinh (HS) của nhiều trường học được quản lý bằng các ứng dụng (app) cho phép phụ huynh, nhà trường giám sát được hành trình lên, xuống xe của con; các xe được lắp chuông báo động, chống bỏ quên trẻ…

GIÁM SÁT SUỐT CHUYẾN ĐI

Tại Trường Quốc tế Canada (CIS), Q.7, TP.HCM, quy trình đưa đón HS bằng xe buýt với 6 bước đón và 5 bước trả.

6 bước đón học sinh lên xe buýt

  1. Kiểm tra xe buýt kỹ lưỡng trước khi khởi hành;
  2. Cập nhật thông tin thay đổi nếu có;
  3. Đón học sinh tại các điểm đón;
  4. Quản lý học sinh trong suốt quá trình di chuyển;
  5. Đưa học sinh xuống xe và vào trường;
  6. Kiểm tra, rà soát xe trước khi về bãi đỗ.

5 bước trong quy trình trả học sinh

  1. Kiểm tra xe buýt trước khi di chuyển;
  2. Đón học sinh lên xe buýt;
  3. Quản lý học sinh trong thời gian di chuyển;
  4. Trả học sinh tại các điểm trả theo đúng thông tin;
  5. Kiểm tra, rà soát xe trước khi về bãi đỗ.

Chúng tôi có mặt trong giờ trả HS khi tan học. Trước khi khởi hành, xe buýt được kiểm tra kỹ từ lốp xe, thân xe cho đến hệ thống an toàn, vệ sinh xe. Nhân viên phụ trách còn cập nhật liên tục các thông tin về HS như thay đổi địa điểm đón, trả. Quá trình đón và trả HS được thực hiện theo quy trình: nhân viên sẽ đón từng HS lên xe, kiểm tra và ghi chép thông tin. Với các HS tiểu học, nhân viên hỗ trợ cài dây an toàn và giám sát các em trong suốt chuyến đi. Khi đến trường hoặc về nhà, nhân viên sẽ xác nhận lại thông tin với phụ huynh để đảm bảo đưa, trả đúng HS.

Tìm giải pháp an toàn xe đưa đón học sinh- Ảnh 1.

Điểm danh, giám sát học sinh trên xe buýt của trường

ẢNH: PHƯƠNG HÀ

Tiến sĩ Chandra Mcgowan, Hiệu trưởng CIS, cho biết để phòng tránh trường hợp HS ngủ quên trên xe buýt, sau mỗi chuyến xe, nhân viên sẽ rà soát từ đầu đến cuối xe, đảm bảo không còn HS hay trang thiết bị, đồ dùng của HS để quên trên xe. Tất cả phải bàn giao đủ số lượng HS cho nhân viên giám sát, đồng thời điểm danh từng HS trên ứng dụng điểm danh HS đi xe buýt ngay sau khi các em xuống xe.

PHỤ HUYNH ĐƯỢC XEM LỘ TRÌNH CỦA CON

Tại Trường tiểu học - THCS - THPT Khải Hoàn Nam Sài Gòn (Victoria School - Nam Sài Gòn), nhà trường sử dụng ứng dụng công nghệ quản lý xe đưa đón Bus2School. Ứng dụng này cung cấp các tính năng chính bao gồm quản lý thông tin HS, quản lý tuyến đường, điểm danh HS, giao tiếp với phụ huynh. Bảo mẫu sẽ đánh dấu trên ứng dụng khi đón và trả từng HS. Phụ huynh được theo dõi lộ trình khi HS lên xe và khi kết thúc quá trình di chuyển để yên tâm.

Có mặt tại trường học này, chúng tôi quan sát quy trình đưa rước HS bằng xe buýt gồm các bước cụ thể. Ở chiều đi, bảo mẫu đón từng HS từ phụ huynh tại nhà riêng theo lộ trình; phụ huynh ký xác nhận vào sổ giao nhận HS; đưa HS về trường; bảo mẫu/bảo vệ giao HS cho giáo viên (GV) chủ nhiệm và cập nhật HS đã đến trường qua ứng dụng; bảo mẫu kiểm tra xe lần cuối.

Ở chiều về, xe buýt đưa HS từ trường về nhà sẽ gồm các bước: GV chủ nhiệm trả HS cho bảo mẫu; bảo mẫu tập hợp HS theo xe và khởi động lộ trình; đưa HS về nhà theo lộ trình; phụ huynh xác nhận vào sổ giao nhận HS; bảo mẫu cập nhật đã hoàn thành quá trình trả HS qua ứng dụng; bảo mẫu kiểm tra xe lần cuối.

Bà Trần Kim Dung, Giám đốc vận hành Victoria School - Nam Sài Gòn, cho biết trong năm học mới 2024 - 2025, hệ thống trường học này đã trang bị nhiều xe buýt mới đưa đón HS, đảm bảo quy chuẩn. Các xe được dán đề can chống chói mắt. Trường cũng thường xuyên tập huấn cho bảo mẫu, tài xế về nghiệp vụ, quy định đảm bảo an toàn, thủ tục và quy trình đưa rước HS, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình này.

Tìm giải pháp an toàn xe đưa đón học sinh- Ảnh 2.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trên xe đưa đón là điều nhiều cha mẹ, trường học quan tâm

PHƯƠNG HÀ

CÓ CHUÔNG BÁO ĐỘNG TRÊN TOÀN BỘ XE BUÝT

Năm học 2024 - 2025, đội xe buýt đưa đón HS của Trường tiểu học - THCS - THPT Albert Einstein (Einstein School HCM - ESH), ở H.Bình Chánh, TP.HCM, có gần 30 xe. Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên viên hành chính kiêm cơ sở vật chất, phụ trách giám sát chất lượng bữa ăn và dịch vụ xe buýt cho HS, cho biết mọi hoạt động đưa đón HS của trường phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan quản lý nhà nước. "Nhà trường thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo và buổi trao đổi kinh nghiệm giữa đội ngũ tài xế, nhân viên phụ trách xe buýt và ban điều hành. Các chương trình này được tổ chức định kỳ ít nhất hai lần mỗi năm, thường vào đầu mỗi học kỳ", ông Tuấn cho hay.

Làm sao để an toàn cho HS trên xe buýt trong suốt hành trình, phòng tránh việc trẻ ngủ quên hoặc bị bỏ quên? Ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin: "Sau khi giai đoạn thử nghiệm thành công, nhà trường đang triển khai lắp đặt đồng loạt hệ thống chuông báo động trên toàn bộ đội xe buýt. Hệ thống này giúp ngăn ngừa gần như hoàn toàn rủi ro bỏ quên HS trên xe. Bên cạnh đó, trường xây dựng các chương trình tập huấn đặc biệt dành cho HS, nhân viên, tài xế và bảo mẫu phụ trách đưa đón, nhằm giáo dục các em về những hướng dẫn cơ bản về an toàn và thoát hiểm trên xe buýt".

Ông Tuấn cũng cho biết thêm trường học này đã triển khai, sử dụng ứng dụng MegaEdu có chức năng điểm danh HS khi lên và xuống xe buýt. Dữ liệu từ ứng dụng này được kết nối và đồng bộ với hệ thống thông tin của nhà trường, đồng thời thông báo đến phụ huynh nhằm đảm bảo thông tin về lịch trình của các HS được cập nhật kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn và an ninh cho HS.

Tìm giải pháp an toàn xe đưa đón học sinh- Ảnh 3.

Để phòng tránh trường hợp học sinh ngủ quên trên xe buýt, sau mỗi chuyến xe, nhân viên sẽ rà soát từ đầu đến cuối xe

PHƯƠNG HA

BGD-ĐT YÊU CẦU ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO HỌC SINH

Ngày 14.8, Bộ GD-ĐT đã có công văn về tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025. Trong đó, Bộ lưu ý các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ nội dung, tiêu chí xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục. Phải tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, HS trong và ngoài nhà trường, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đặc biệt phòng ngừa tai nạn thương tích, bạo lực học đường, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS ngay từ đầu năm học.

Giữa tháng 6.2024, UBND TP.HCM ban hành Công văn 6608/VP-DT, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường giao Sở GTVT, Sở GD-ĐT chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Bộ GTVT tại Công văn số 6022/BGTVT-VT ngày 6.6.2024; đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định trong hoạt động vận tải đưa, đón HS đến trường trên địa bàn TP.HCM.

Cũng vào tháng 6.2024, Phòng GD-ĐT Q.7, Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình và nhiều phòng GD-ĐT các địa phương tại TP.HCM đã ra văn bản, đề nghị các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập và ngoài công lập cần tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn đối với hoạt động xe buýt đưa đón HS.

Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị "chống bỏ quên trẻ"

Tại kỳ họp thứ 7 khóa XV vừa qua, Quốc hội thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 1.1.2025. Trong đó có quy định xe chở HS phải lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh HS và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên HS trên xe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.