Đất của con đường hành hương tâm linh lên chùa Ngọa Vân, Yên Tử vẫn còn nằm trong ruột chiếc hộp vàng khi nó được mở ra chiều 21.6 vừa qua. Ngọn núi nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật lại ghi thêm một kỳ tích, kỳ duyên vào lịch sử của mình. Có thế, nhà sư Thích Quảng Hiển mới gặp được chiếc hộp này trên chính ngọn núi có chùa Trung Tiết - nơi ông đã tu hành bao năm nay. Trước đó, chiếc hộp đã lộ ra do máy xúc đào sườn một quả đồi thấp.
|
Dù chỉ có trọng lượng tương đương 15,04 chỉ vàng, chất liệu của chiếc hộp chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt của nó. Bởi lẽ, trong lịch sử Việt Nam cổ trung đại, những đồ vật dùng trong sinh hoạt được chế tác bằng kim loại quý như vàng, bạc thường là những đồ vật rất có giá trị, chỉ những người thuộc đẳng cấp cao của xã hội đương thời mới dùng chúng.
Ngay khi tiếp xúc, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu kinh thành đã đặt tên cho hộp là “hộp hình hoa sen”. Cái tên tượng hình dựa theo 11 múi nổi hình cánh sen trên thân hộp. Ngoài ra, toàn thân hộp cũng được trang trí văn cánh sen. Tất cả tạo cho chiếc hộp vẻ của một bông sen đang độ mãn khai.
Giữa nắp hộp là một đài sen được tạo tác rất công phu với 4 lớp cánh xếp thành vòng tròn đồng tâm. Lớp cánh ngoài cùng có 11 cánh, lớp thứ hai 33 cánh, lớp thứ ba 28 cánh, lớp trong cùng 15 cánh. Ở tâm, núm nắp hộp như đài sen nhỏ. Xen kẽ giữa các lớp cánh sen là đường chỉ nổi và diềm văn chấm tròn như nhụy hoa tạo nổi rất tinh tế.
Nhưng độc đáo và đặc sắc nhất của chiếc hộp này là bên trong tất cả các cánh sen (từ nắp đến thân) đều được chạm khắc chìm hoa chanh 4 cánh. Xung quanh hoa chanh điểm xuyết những cành lá mềm, các vòng tròn nhỏ để tạo kiểu nền gấm. Bao quanh các đường diềm của từng cánh sen cũng được trang trí văn dây lá mềm rất công phu và đẹp. “Chúng mang đậm dấu ấn đời Trần, một triều đại chống ngoại xâm hiển hách trong lịch sử Đại Việt”, TS Trí cho biết.
Cũng theo các nhà nghiên cứu của trung tâm, hộp được đúc khuôn tạo hình dáng và cánh sen nổi, sau đó chạm khắc hoa văn lên trên thân và bên trong cánh sen.
Đồ ngự dụng
Theo các chuyên gia, hoa văn trên hộp cũng cho thấy nó có niên đại thế kỷ 14, và được chế tác tại Bắc Việt Nam. Nó còn đặc biệt hơn khi so sánh với các vật dụng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. “Nhiều khả năng chiếc hộp này được chế tác bởi các thợ kim hoàn khéo tay tại kinh thành Thăng Long. Thậm chí nó có thể là đồ dùng quý trong Hoàng cung xưa nếu không nói đây chính là đồ ngự dụng”, TS Trí cho biết.
Chiếc hộp hình hoa sen thời Trần tìm thấy tại Đông Triều là di vật vô cùng quý giá không chỉ bởi nó được làm bằng vàng mà hình dáng, hoa văn của nó được tạo tác rất hoàn hảo, tinh mỹ, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện tính đẳng cấp của loại hình đồ vật quý dùng trong cung đình.
TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết ngay ở bảo tàng của ông hiện cũng chưa có hiện vật bằng vàng nào thời Trần. “Có thể nói hiện vật bằng vàng thời Trần vô cùng hiếm”, ông khẳng định.
TS Hiền cũng cho biết, tại Hưng Yên từng tìm thấy 5 đĩa vàng trang trí văn dây lá. Tuy nhiên, chúng hiện được cất tại kho bạc, chưa từng có dịp trưng bày cho công chúng thưởng lãm.
Trong khi đó, chiếc hộp quý bằng vàng tại Đông Triều này đang có cơ hội trưng bày khi được các nhà khoa học khuyến nghị trưng bày tại di tích đền Anh Sinh, huyện Đông Triều để quảng bá giá trị lịch sử văn hóa nhà Trần.
Trinh Nguyễn
>> Bảo vật quốc gia: Hào quang của cây đèn hình người quỳ
>> Công bố bảo vật quốc gia
>> Đề xuất công nhận 3 hiện vật là bảo vật quốc gia
>> Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Về chiếc áo Long Cổn triều Nguyễn
>> Ly kỳ bảo vật Việt Nam : Ông thợ thêu giữ bộ nghiên mực của vua
>> Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Độc đáo đàn đá Khánh Sơn
>> Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Những pháp bảo vô giá tại chùa Trúc Lâm
>> Thăng trầm bảo vật hoàng cung
>> Chùm ảnh: Bảo vật Hoàng cung
Bình luận (0)